Dân Việt

Nghề nguy hiểm

20/06/2010 16:36 GMT+7
(NTNN) - Tháng 5-2010, hình ảnh phóng viên Reuters ngã xuống đường với tấm thân đẫm máu do dính đạn trong khi tác nghiệp ở Thái Lan, đã gợi lên sự lo sợ đối với dư luận thế giới về nghề báo- nghề hiểm nguy.
img
Phóng viên quốc tế bị bắt giữ.

Băngkok- nơi nguy hiểm

Chỉ trong ngày 19-5, một phóng viên ảnh thiệt mạng và ít nhất 5 nhà báo khác bị thương khi tường thuật về tình hình hỗn loạn ở Băngkok. Phóng viên ảnh người Italia Fabio Polenghi, 45 tuổi đã bị bắn vào bụng trong khi tác nghiệp tại nơi quân đội Thái Lan tấn công khu chiếm đóng của người biểu tình “áo đỏ”.

Trước đó, hồi tháng Tư, một phóng viên quay phim khác người Nhật là Hiroyuki Muramoto của hãng Reuters cũng tử nạn khi chụp ảnh người biểu tình. Vì sao “áo đỏ” ghét nhà báo? Nhiều người cho rằng, phe “áo đỏ” bị “thua” một phần do báo chí. Các phóng viên len lỏi khắp nơi, chụp hình, đưa tin không có lợi cho cuộc biểu tình của họ.

Thủ đô Bangkok vốn là địa điểm ưa thích cho các phóng viên trong nhiều thập kỷ. Nhưng điều đó đã thay đổi chỉ trong hai tháng qua, khi thành phố rơi vào vòng xoáy bạo lực giữa lực lượng an ninh của chính phủ và những người biểu tình “áo đỏ” chống chính phủ. Thái Lan đã “nhảy vọt” lên vị trí mới trong danh sách những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các phóng viên khi tác nghiệp. “Đất nước của nụ cười” hiện ở vị trí ngang bằng với Pakistan và Iraq.

Phóng viên Reuters bị “ăn đá” vì chụp ảnh

Dù đang đứng chụp ảnh ngoài đường quốc lộ nhưng một phóng viên của Reuters vẫn bị bảo vệ của Nhà máy Foxconn ở Trung Quốc bắt giữ và đánh đập. Hãng tin Reuters sau đó đã có một bài tường thuật chi tiết vụ phóng viên của họ bị bắt giữ và đánh đập ngay trên trang web của mình.

“Được mật báo bởi một công nhân làm việc trong khu liên hợp Longhua ở gần một nhà máy của Foxconn, một phóng viên của chúng tôi đã đi taxi đến khu công nghiệp này ở Guanlan – nơi đang sản xuất các sản phẩm cho nhiều công ty khác nhau. Trong khi anh phóng viên này đang đứng ngoài quốc lộ để chụp ảnh cổng ra vào và trạm an ninh của nhà máy, một bảo vệ đã la lớn. Anh phóng viên vẫn tiếp tục chụp thêm vài kiểu ảnh nữa trước khi vào xe taxi nhưng xe chưa kịp chuyển bánh đã bị một nhân viên bảo vệ chặn đầu và yêu cầu dừng xe kèm theo lời đe doạ sẽ bắt giữ cả chiếc xe lẫn giấy phép lái xe.

img 6 tháng đầu năm 2010, trên thế giới đã có 14 nhà báo bị giết khi đang tác nghiệp. img
Ủy ban Bảo vệ các nhà báo Quốc tế

Anh phóng viên bước ra khỏi xe và biện minh rằng mình đang làm việc đúng luật vì vẫn đứng ở ngoài đường quốc lộ nhưng ngay lập tức bị nhân viên bảo vệ kia giật tay lại. Một nhân viên bảo vệ thứ 2 chạy đến và trước sự chứng kiến của rất nhiều công nhân Foxconn họ cố lôi kéo anh phóng viên vào trong nhà máy.

Anh phóng viên yêu cầu được thả nhưng không được nên đã tự giật tay ra và bước đi nhưng liền bị một bảo vệ có vẻ nhiều tuổi hơn đá vào chân kèm theo lời đe doạ sẽ tiếp tục đánh nếu anh ta tiếp tục bước đi. Vài phút sau một chiếc xe của an ninh nhà máy Foxconn chạy đến nhưng anh phóng viên nhất định không chịu lên xe và rút điện thoại ra gọi cho cảnh sát.

Con mồi của Taliban

Pakistan-nơi được cho là nguy hiểm đối với các nhà báo nước ngoài, bởi tại đây phiến quân Taliban luôn rình rập họ như là một món mồi ngon để trao đổi và ra yêu sách cho chính phủ. Tháng 4-2010, nhà báo Nhật Bản Tsuneoka đã bị bắt cóc khi đang trên đường tới Kunduz, miền Bắc Afghanistan. Một số thông tin cho thấy vài ngày trước khi bị bắt, ông Tsuneoka từng có mặt ở Kabul và đã xâm nhập một khu vực do Taliban kiểm soát.

Kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống phiến quân Taliban năm 2001, đã có rất nhiều người nước ngoài, trong đó có cả các nhà báo, đã bị các băng nhóm tội phạm và tay súng Taliban bắt cóc.