Đoàn Việt Nam ở độ cao 5.000 mét (Trần Đăng khôi đứng thứ ba từ trái sang). |
Làm quen với Everest
Bắt đầu từ thủ đô Kathmandu của Nepal, đoàn chúng tôi đi máy bay cỡ nhỏ (chở khoảng 15 người) đến Lukla (ở độ cao 2.800m), từ đó chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đến trại căn cứ Everest (5.364m). Thử thách đầu tiên đó mất 8 ngày với quãng đường núi tổng cộng khoảng 60km .
Những ngày mới đến trại căn cứ Everest, hầu như mọi người trong đoàn đều bị hội chứng độ cao, khó thở và ho. Ban đêm rất khó ngủ được bởi càng về khuya nhiệt độ càng xuống thấp, dưới -25oC.
Điều dễ cảm nhận nhất ở đây là hơi lạnh tỏa ra khắp nơi, ngoài một lớp đá mỏng che phủ thì phía dưới chỉ là băng và băng. Lạnh cóng. Mỗi buổi sáng bước ra khỏi lều là một điều hết sức khó khăn, tay chân tê cóng. Mỗi căn lều đều được tuyết bao phủ trắng xóa. Hầu như chúng tôi… không cần phải tắm mà chủ yếu lau sạch người bằng khăn ướt. Mỗi ngày, trời nắng trong khoảng 2 -3 giờ không kịp làm cho quần áo khô. Thế nên, nếu có giặt giũ quần áo thì phải phơi ít nhất là 2 ngày mới có thể khô ráo…
Thức ăn mang theo được trữ bằng cách rất lạ. Những người Sherpa (người dân địa phương theo hỗ trợ đoàn) hướng dẫn chúng tôi bỏ tất cả thực phẩm tươi vào trong một thùng nhựa. Chỉ cần vài nhát xẻng là có ngay một hố băng trước cửa lều. Thùng nhựa được đặt xuống hố, phủ đầy băng lên trên là xong. Bằng cách này, thức ăn được giữ tươi ngon cả tháng…
Chính phục nóc nhà thế giới. |
Tác nghiệp
Các thiết bị, máy móc có sử dụng ổ cứng như laptop, máy quay phim, máy nghe nhạc… khi lên đến độ cao trên 5.300m so với mặt nước biển luôn hoạt động trong tình trạng chập chờn, có khi “điếc” hẳn không thể sử dụng. Phải qua quá trình thử nghiệm chúng tôi mới tìm được các loại thiết bị chuyên dùng có thể hoạt động tốt ở độ cao đó. Riêng máy tính xách tay được chọn là 2 máy Panasonic dòng Toughbook. Đây là dòng máy được thiết kế chuyên làm việc cho những môi trường khắc nghiệt nhất, nặng gần 6kg nên cũng là vấn đề khi phải di chuyển. Việc tác nghiệp trong những điều kiện khó khăn cũng là một thách thức rất lớn.
Lều làm việc của đoàn làm chương trình truyền hình "Việt Namchinh phục đỉnh Everest 2008" đặt trên một khối băng rộng khoảng 20m2, lạnh buốt, máy sưởi chạy bằng gas hầu như không có tác dụng. Bàn tay lúc nào cũng phải cầm chuột máy tính nên việc không thể đeo găng tay nhiều lúc khiến bàn tay tôi gần như tê dại, mất hết cảm giác.
Trong đoàn có một bác sĩ chuyên về thể thao đi theo. Ở Trại căn cứ cũng có một trạm xá nhỏ, nhưng chỉ xử lí được những bệnh nhẹ. Bệnh nặng phải gọi trực thăng chở xuống núi, chi phí cho mỗi lần chở từ 3 - 4 ngàn USD. Nếu thời tiết xấu (gió lớn, mưa bão tuyết, áp suất không khí loãng…), trực thăng cũng… bó tay.
Trại căn cứ không có điện, Internet hay điện thoại. Phương tiện duy nhất để truyền thông tin là dịch vụ BGAN của hệ thống vệ tinh toàn cầu INMARSAT do ban tổ chức đặt mua với giá hàng trăm ngàn USD để truyền tin tức và hình ảnh hành trình chinh phục của đoàn leo núi Việt Nam. Chi phí truyền tin cực kỳ đắt đỏ: Cứ 5 phút truyền về Việt Naml à 1.000 USD!
Do lịch phát sóng thay đổi, thời lượng phát sóng dài hơn nên rất bị động trong khấu lên kịch bản và tổ chức quay hình. Tuy nhiên sau những khó khăn, qua những thách thức lại thấy mình trưởng thành hơn, thêm nhiều kinh nghiệm sống hơn, bạn bè nhiều hơn và quan trọng nhất là tầm mắt mình mở rộng hơn.
Cùng với các bạn đồng nghiệp, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ truyền tải về quê nhà những hình ảnh mới nhất về những chàng trai VN đầu tiên chinh phục Everest. Cũng sau chuyến đi này, tôi từ 76kg tụt xuống còn 68kg, giảm 8kg!
Trần Đăng Khôi