Học sinh nông thôn ở Hải Phòng học nghề hàn. |
Phát huy thế mạnh tổng hợp
Ngay sau khi Quyết định 1956 của Chính phủ, Hải Phòng đã chọn 2 huyện là Vĩnh Bảo và An Dương để làm thí điểm mô hình đào tạo gắn kết “4 nhà”. Đây là 2 địa phương có số lượng lớn diện tích đất canh tác nông nghiệp bị thu hồi phục vụ cho các dự án công nghiệp.
Theo ghi nhận của phóng viên tại 2 địa phương này, trong những ngày qua, các cán bộ của các cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành các bước tập huấn điều tra cơ bản về lao động nông thôn; rà soát đối tượng nông dân được tuyển chọn vào làm công trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống; đưa ra những dự báo về biến đổi lao động do thu hồi đất canh tác phục vụ dự án; xác định mô hình đào tạo nghề và thẩm định chất lượng đào tạo tại các trung tâm dạy nghề hiện có…
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng cho biết, việc điều tra này sẽ là cơ sở để phân bổ kinh phí, tiến hành đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu thực tế của địa phương. Các hộ nông dân ở đây khi được biết về chủ trương đào tạo nghề của thành phố, đã rất hồ hởi, tìm cách tiếp cận các thông tin liên quan đến đề án đào tạo nghề này.
Mong sớm được học nghề
Bà Phạm Thị Bính - Chủ tịch Hội Nông dân Vĩnh Bảo phản ánh, trong số 97.492 lao động của huyện, mới chỉ có 51% có việc làm. Số còn lại, vì không có tay nghề nên chủ yếu “ăn theo” gia đình. Hầu như những gia đình rơi vào hoàn cảnh này đều có cuộc sống hết sức chật vật. Nay, được nhà nước quan tâm, hỗ trợ học nghề theo đề án, ai nấy đều mừng.
Học sinh thực hành trên máy may công nghiệp ở Trường Trung cấp nghề An Dương, Hải Phòng. |
Riêng ở huyện An Dương, bà Trần Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến ngày 5-6, toàn huyện đã hoàn tất việc khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của người lao động trong năm 2010. Theo đó, 35.738 người (chiếm hơn 1/3 số người trong độ tuổi lao động), đã viết phiếu đăng ký học nghề.
Huyện chỉ đạo Trường Trung cấp nghề An Dương chịu trách nhiệm chính trong việc đào tạo các cấp độ nghề, từ sơ cấp đến cao đẳng (liên kết đào tạo) tại địa phương, với các hình thức: Dạy trực tiếp, thực hành tại nơi làm việc…
Ông Tống Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề An Dương cho hay, trong số 28 nghề được người học đăng ký theo học tại trường, tập trung đông nhất là các nghề: Hàn, chế biến món ăn, chăn nuôi, làm vườn cây cảnh… Điều này không chỉ thể hiện nhu cầu người học, mà còn phản ánh thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc thù nền nông nghiệp của một huyện ven đô An Dương.
Bà Ngô Thị Minh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hải Phòng cho biết: Hội cũng tham gia trong Ban chỉ đạo của thành phố về công tác này, thành lập BCĐ của Hội Nông dân Hải Phòng triển khai đến tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố, kết hợp với 4 nhà để giám sát, thúc đẩy thực hiện tốt chương trình này đến cơ sở, hướng dẫn bà con nông dân, đặc biệt là các hội viên học nghề, tổ chức sản xuất hiệu quả.
Thu Ngân - Vũ Thị Hải