Dân Việt

Cái nôi bóng đá nông dân

18/06/2010 11:39 GMT+7
(NTNN) - Với hơn 1.000 đội bóng phong trào và giải bóng đá nông dân được tổ chức tới tận các thôn ấp, An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về phong trào bóng đá nông dân.
img
Buổi tập luyện của các cầu thủ nông dân An Giang. Nam Hải

Năm nay, sức mạnh ấy sẽ được thể hiện rõ hơn ở giải đấu cấp quốc gia đầu tiên dành cho riêng cho nông dân...

Bóng đá là niềm hứng khởi

Với phong trào thi đua rèn luyện thân thể phát triển rộng khắp nên từ năm 1989, tại An Giang đã hình thành được giải bóng đá nông dân quy chuẩn. Địa phương đầu tiên tổ chức giải bóng đá này là huyện Chợ Mới. Lấy phong trào ở đây làm hạt nhân, năm 1995 An Giang đã chính thức có Giải Bóng đá Nông dân toàn tỉnh được tổ chức từ cấp thôn ấp trở lên... Năm nay, cũng chính Chợ Mới là đội vô địch đại diện tỉnh An Giang thi đấu tại Giải Bóng đá Nông dân toàn quốc 2010- Báo NTNN - Cúp VFA.

Tính xã hội hoá của hoạt động bóng đá nông dân tại đây rất cao và cái cách tổ chức, điều hành một đội bóng thật đáng học tập. Đội trưởng các đội bóng không phải là người có vai trò quan trọng trong thi đấu mà là người có vai vế trong các dòng họ. Chuyện các bác, các chú có tuổi làm đội trưởng một đội bóng là hết sức thường.

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm TDTT Chợ Mới cho biết: "Việc lựa chọn các đội trưởng tương đối đặc biệt, độc đáo của địa phương. Điều này có tác dụng to lớn trong việc duy trì kỉ luật và duy trì lối sống lành mạnh cho các cầu thủ. Các đội trưởng, các bậc cha chú đã có lệnh không nhậu nhẹt, bài bạc, đố anh nào dám không nghe".

Với các cơ quan chính quyền, sự ủng hộ cho bóng đá nông dân gần như là một niềm hứng khởi. Các cán bộ của Trung tâm TDTT An Giang cho biết: Khi giải đấu tổ chức tại đâu thì những đơn vị tổ chức không phải lo đến chuyện sân bãi, bảo vệ vì việc đó đã được các cấp chính quyền lo và hoàn tất.

Việc làm tưởng đơn giản này lại có tác dụng vô cùng to lớn cho một giải phong trào vì để tổ chức một trận bóng, chuyện sân bãi, an ninh gần như chiếm quá nửa thời gian và sức lực của các đơn vị tổ chức. Các cán bộ chính quyền còn "máu" bóng đá tới mức có vị cán bộ nhận làm trọng tài chuyên nghiệp cho các giải bóng. Đó là anh Thanh - Chủ tịch xã Lương Phi, huyện Tri Tôn.

Mỗi giải đấu là một ngày hội lớn

Giải bóng đá nông dân của An Giang thường được tổ chức rất “cơ động” về mặt thời gian. Vùng nào xong mùa vụ trước thì tổ chức trước (thường vào cuối năm). Thời gian này không chỉ dễ huy động được các VĐV, CĐV mà ngay cả các nhà tài trợ (đa phần là các hộ kinh doanh nông sản vừa và nhỏ) cũng thảnh thơi... để mắt đến giải đấu hơn.

Các Mạnh Thường Quân, những chủ nhà máy xay xát, vựa thu mua cây trái cũng nhiệt tình với các giải đấu để thông qua đó có thể dễ dàng "chiếm lĩnh thị trường" hơn. Với các đội bóng, kể cả từ cấp thôn ấp, các VĐV hầu như không phải lo về chuyện kinh phí, trang phục thi đấu.

Mỗi mùa thi đấu, mọi phương tiện giao thông dùng để kinh doanh của các doanh nghiệp này được huy động toàn bộ để chở VĐV, CĐV. Đuờng bộ thì ô tô, đường sông thì xuồng, tắc ráng. Giải bóng đá nông dân hàng năm vì thế thực sự là những ngày hội lớn tại địa phương này.

img
Tập chiến thuật chờ tranh tài.

Chủ cơ sở xay xát Long Thới (huyện Tri Tôn) cho biết: Việc giúp đỡ các đội bóng đá không phải là công việc từ thiện. Chỉ những hộ kinh doanh có đủ điều kiện mới được tham gia. Ngay cơ sở của tôi năm ngoái do thiếu phương tiện nên đã không được tham gia tài trợ. Năm nay chúng tôi sẽ cố gắng thắng trong cuộc "chạy đua" giành quyền tài trợ cho đội bóng của một số xã ở huyện này.

Qua phong trào bóng đá nông dân tại An Giang mới thấy không phải vì phát triển phong trào rèn luyện thân thể theo bề rộng mà làm thui chột đi các tài năng.

Khi trên đài tường thuật trận bóng đá ở V.League giữa Lam Sơn Thanh Hoá và Hoà Phát Hà Nội, chúng tôi đang ở An Giang. Giọng BLV sôi nổi: "Để gây sức ép với Lam Sơn Thanh Hoá, Hoà Phát Hà Nội đã tung Công Danh, cầu thủ gốc An Giang vào sân vì chỉ Công Danh mới đủ sức đảm nhận cả hai vị trí cánh phải để Hoà Phát Hà Nội chơi với đội hình hai tiền đạo khá lạ...

Nghe đến đây, ngay lập tức Phó Tổng biên tập Báo NTNN Lê Minh Đức, người nhiều năm theo dõi các giải bóng đá nông dân miền Tây hỏi ông Phan Trí Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ TT-VH&DL An Giang: "Có phải Công Danh này là cậu nhóc Danh đen ở Phú Tân không?". Ông Dũng gật đầu xác nhận cái rụp...

Từ phong trào bóng đá nông dân sâu rộng, An Giang đã đóng góp được những cầu thủ xuất sắc cho thể thao đỉnh cao. Trần Công Danh ngày nào thi đấu cho đội nông dân huyện Phú Tân nay đã trở thành cầu thủ của Hoà Phát Hà Nội. Phạm Duy An (đá cho đội tuyển An Giang) cũng trưởng thành từ giải bóng đá lấy mặt ruộng làm sân đấu...

Tại Giải Bóng đá Nông dân toàn quốc năm nay, An Giang rất hy vọng giành được một suất dự vòng chung kết diễn ra tại Long An. Dù kết quả tại vòng chung kết thế nào thì chắc chắn mỗi ngày vẫn có hàng vạn nông dân An Giang ra sân vui với niềm vui bóng đá.n

Ông Phan Trí Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao của Sở VH - TT&DL An Giang:

Tuy tổ chức giải bóng đá nông dân suốt 15 năm nay nhưng cán bộ lãnh đạo của sở nói riêng và nông dân An GIang nói chung rất mừng vì lần đầu tiên Báo NTNN đã đứng ra tổ chức Giải Bóng đá Nông dân toàn quốc. Đây là cơ hội lớn để các nhà hoạt động, tổ chức thể thao nông dân ơ các nơi có dịp quan sát, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm phát triển phong trào cho địa phương mình. Nếu giải được tổ chức thường xuyên thì có thể nói đây là một "cú hích" quan trọng bậc nhất để phát triển bóng đá phong trào và phát triển các phong trào thể thao khác tại các vùng nông thôn rộng lớn trong cả nước.