Dân Việt

Nghe nhã nhạc ở Trường Sa

20/06/2010 07:53 GMT+7
(NTNN) - Kể từ khi được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, vừa qua nhã nhạc cung đình Huế mới có dịp ra đến Trường Sa. Cái cách mà lính đảo đón tiếp nó rất chi là... lính.
img
Biểu diễn nhã nhạc cung đình ở Trường Sa. 

Ông nhạc trưởng vui tính

Ngay khi trên tàu ra Trường Sa, tôi có may mắn được ở cùng phòng với một con người nổi tiếng, có cái tên nổi tiếng: Thấp – nhạc công Nguyễn Trọng Thấp. Trong số các nhạc công nhã nhạc cung đình được công nhận tại Huế, Nguyễn Trọng Thấp là người duy nhất không qua bất cứ một trường lớp nào. Ông được coi là Sư Khoáng, Sư Quyên (hai bậc thánh của âm nhạc thời cổ) tại Huế.

Ông cũng là người duy nhất chỉ đạo được dàn nhã nhạc chỉ với 3 người – thông thường phải 8 người trở lên… Uy danh thì lẫy lừng như thế nhưng thật ra trông ông chất phác như thể một ông đầu bếp thất nghiệp. Lại thêm tiếng đàn cò (ngoài Bắc gọi là nhị) cứ ỉ on, não nuột trong những đêm cả tầu nôn nao vì sóng biển khiến ông không được đám lính quan tâm cho lắm.

Khi cơn say sóng đã bớt, mọi người ra boong đón gió biển, ông nhạc công này te tởn vác nhị ra chỗ đám lính kéo vài bài mà như tôi biết đó là tuyệt phẩm của nhã nhạc. Cái chất của nhã nhạc mà Giáo sư Trần Văn Khê nhận định là “trong trẻo, não nuột ai oán” không hợp với chất băm bổ của mấy ông lính biển, đâm ra việc “câu chuyện làm quà” của ông Thấp hoá ra công cốc.

Muốn quảng bá cho nhã nhạc cung đình Huế nên ông Thấp được cử đi vì lẽ: Ông là người duy nhất chỉ huy được dàn nhạc 3 người. Nói thế nhưng với 3 người vài bài của nhã nhạc, cũng là quý lắm rồi.

Mấy cậu lính xúm vào hỏi: “Bố có biết kéo bài Rừng Xanh vang tiếng Ta lư, Tiếng chày trên sóc Bombo… hay không?” làm ông Thấp tức điên.

Cả đêm hôm ấy ông Thấp hành hạ tôi, cái giọng vốn đã chẳng ra gì của tôi bị khản đặc vì phải hát dễ đến 20 bài hát cách mạng với chất âm nhạc hào hùng cho ông Thấp nghe. Ông Thấp cả đêm đánh trần, mồ hôi nhễ nhại mà đặt nốt đặt thanh. Kính phục vô cùng bậc tiền bối, chỉ sau bữa sáng hôm sau, “Rừng xanh vang tiếng Ta lư” vang lên trên đầu mũi tầu tung bọt sóng.

Trong tiếng nhị quấn quýt, mái tóc đón gió biển hất ngược về sau, cả người nghiêng ngả như lên đồng, ông nhạc công xưa nay chỉ quanh quẩn khu Đại nội bỗng như được Trường Sa tiếp máu trở nên đẹp hiên ngang, thanh sạch.

Đám lính thì khỏi phải nói, mê tít, mồm há hốc chân tay lẩy bẩy, giật cục như bị lên đồng. Khi tiếng “Tính, tính, tính tính tang tang tình” vừa dứt, một cậu lính buột mồm ra câu như thể là “bố người ta”: “Đấy! Nhã nhạc cung đình phải như thế chứ”. Chán mớ đời, Thiếu tướng, Phó Chính uỷ Quân chủng Hải quân Nguyễn Cộng Hoà cũng phải phì cười “Đúng là anh mù mầu xem hội hoạ.

Thôi im lặng mà nghe đi “ông” ơi”. Cũng từ đấy, theo thống kê không đầy đủ của anh em trong đoàn, bài “Rừng xanh vang tiếng Ta lư” được biểu diễn không dưới một trăm lần, nó tạo cảm giác là hễ ai chạm đến cây nhị của ông Thấp đều có thể làm bật ra âm thanh của bài hát kia vậy.

“Văn công, vũ lược”

Ông Thấp cho biết: Thực ra đoàn nhạc của ông ra đây với nhiệm vụ hoà âm cho lễ tụng kinh cầu siêu cho những người tử nạn tại Trường Sa do Giáo hội Phật giáo tiến hành. Chính vì thế danh sách đi cũng chỉ cần đến 3 người.

Lúc lên tới đảo, mọi người được tận mắt xem, nghe nhã nhạc, loại âm nhạc xưa nay chỉ được biểu diễn trong đại nội. Tuy nhiên, nói thực nó không được lính đảo đón tiếp nồng hậu cho lắm hoặc thảng nó được đón tiếp theo cách rất riêng.

Cậu lính Nguyễn Thanh Tú ngồi gật gù rồi xuýt xoa một câu “nhà quê” không thể tưởng: “Nhạc này chỉ toàn cho vua nghe hả anh? Thế thì chúng mình sướng như vua rồi còn gì”. Thôi thế thì lại “Rừng xanh vang tiếng Ta lư” cho máu lửa, đám lính trẻ vừa được dịp nhẩy nhót tưng bừng lại được nói như thánh phán: “Nhã nhạc phải như thế chứ”.

Lính đảo nhiều anh mon men kéo thử cây nhị, học hỏi cách sử dụng, ông Thấp bảo, với cây nhị thì nắm được âm luật không khó nhưng cần nhất phải chuyên tâm. Ông kể chuyện Sư Khoáng (vị thánh của âm nhạc cổ khi xưa) chỉ dùng tay đánh vào phẫu sành (giống cái bát uống rượu) mà phỏng được tiếng chim bay, gió chuyển…

img
Ông Thấp với người bạn tri kỷ: Cây đàn cò.

Nhưng để đạt được mức ấy Sư Khoáng phải dùng thuốc xông mù hai mắt để chuyên tâm vào nhạc. Nghe đến đấy cậu lính đang ôm cây nhị bỗng rời tay thõng thượt “Ế lều ơi! Thế thì cháu chịu, chúng cháu còn phải bận canh gác nữa chứ, chúi đầu vào anh nhị này, tàu địch nó đến thì làm thế nào?”.

Đêm trăng trên Trường Sa lớn sáng vằng vặc, tôi cùng ông Thấp ra bờ biển nằm ngắm trời sao. Ông cười buồn bảo là tiếc vì đã không cho cậu con trai Nguyễn Trọng Thuận cũng là một nhạc công trong đoàn lần này đi bộ đội, ông nhạc công tiếc vì “Cùng lứa tuổi mà sao bộ đội Trường Sa mạnh mẽ hiên ngang là thế mà con trai tôi nó uỷ mị quá”.

Đột nhiên ông hỏi tôi một câu hết hồn: “Anh thấy các vua đời Nguyễn có giỏi không?”, tôi buộc phải đáp qua loa “Có cái được, có cái không”. Được đà ông Thấp tiếp: “Chơi nhã nhạc – (đỉnh cao của văn công nhà Nguyễn) tại Trường Sa (nơi ghi dấu vũ lược kiệt xuất cũng của nhà Nguyễn) tôi thấy tự hào quá, các vị ấy giỏi quá.

Giới nhạc công chúng tôi thấy rằng văn mới sinh ra võ, triều Nguyễn oai hùng là vì biết làm ra nhã nhạc oai nghiêm để giáo dân, trị quốc. Cái lẽ nó là như thế”. Đến nước này tôi buộc phải cao giọng “Cũng trong tiếng nhã nhạc cung đình ấy thì chỉ sau vài loạt súng đại bác của Pháp tại bán đảo Sơn Trà thì cả triều Nguyễn đầu hàng, Gia Định thất thủ, thủ thành Hoàng Diệu tử tiết.

Lúc ấy “văn công” ở đâu? “Vũ lược” ở đâu? Mảnh đất mà cả tôi và lão nghệ nhân đang ngồi yên bình ngắm trăng cắm lá cờ màu gì? Một triều đại đầu hàng giặc dứt khoát không thể nói là oai hùng. Bây giờ mới bước ra khỏi Đại nội và tập chơi “Rừng xanh vang tiếng Ta lư" tôi thiết tưởng là quá muộn cho lão nghệ nhân…

Con người nổi danh của đất Thần kinh bất giác thở dài: “Đúng như rứa hỉ”.