Dân Việt

Người Mông Xanh và nỗi đau kết hôn cận huyết

08/09/2010 14:52 GMT+7
(Dân Việt) - Bị tuyệt giao, người Mông Xanh mới thấu hiểu nỗi đớn đau của kẻ bị... cấm vận toàn phần. Đau đớn hơn, để duy trì giống nòi, họ đã phải kết hôn cận huyết như một sự trừng phạt phũ phàng của số mệnh.

Cuộc tình trái khoáy

Theo chân cô cán bộ dự án, chúng tôi ngược dốc tìm lên bản Tu Thượng. Bây giờ, người Mông Xanh ở Nậm Xé tách làm đôi, một số xuống xây dựng bản mới ở ngay gần trung tâm xã. Số còn lại, bởi quá quen với cuộc sống trên đầu gió đỉnh mây, động viên thế nào cũng khăng khăng ở lại nơi mình đã chôn nhau cắt rốn.

img
Cô dâu người Mông Xanh về nhà chồng.

Được chủ tịch xã hẹn từ trước nên hôm ấy, Trưởng thôn Vàng A Páo ở nhà tiếp chúng tôi. Páo sinh năm 1985. Còn ít tuổi nhưng trông Páo già dặn, có nhiều nét khắc khổ trên khuôn mặt xương xương. Có lẽ, vì khuôn mặt chẳng liên quan gì đến giấy khai sinh ấy mà cô cán bộ dự án dù ít hơn có một tuổi cứ mở miệng là gọi Páo bằng chú, xưng cháu ngon lành.

Theo Páo thì Tu Thượng có 41 hộ, 168 khẩu, tất thảy đều là người Mông Xanh. Nói đến chuyện hôn nhân cận huyết, Trưởng thôn Páo gãi đầu gãi tai: “Có việc đó, nhưng bây giờ các anh nói bọn em mới biết. Nó nguy hiểm đến vậy cơ à? Ở đây, từ trước đến nay, bốn bề là rừng thâm u, người Mông Xanh chúng em không lấy nhau thì biết… lấy ai!?”.

Sau câu nói vừa hồn nhiên vừa đau đớn ấy, Páo bảo, chính vợ chồng anh cũng là một nạn nhân của chuyện “tưởng là bình thường mà không phải” trên. Vợ Páo là Giàng Thị Sơn, tuổi cũng sàn sàn như Páo. Sơn là con dì, Páo là con dà. Hai đứa cùng ở đỉnh núi này, bởi mối thâm tình gần gụi nên tình cảm càng thêm gắn bó.

Páo bảo, trước đây, người Mông Xanh cứ “yêu là cưới”, bất chấp họ hàng thân thích thế nào. Tuy nhiên, trải qua mấy bận ốm đau, bệnh tật, các trưởng họ trong cộng đồng đã ra một “phán quyết” rằng người Mông Xanh có cùng họ thì không được lấy nhau. Theo Páo, anh với vợ khác họ (Páo họ Vàng, vợ Páo họ Giàng), không vi phạm “điều cấm” nên “ưng cái bụng là lấy vô tư thôi”.

Có với nhau một mặt con rồi nhưng theo Páo thì vợ chồng anh chưa ra xã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Người Mông Xanh ở đây vẫn vậy. Cứ thích nhau thì về ở với nhau rồi sinh con đẻ cái. Thủ tục kết hôn bao giờ cần thì làm bởi nó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống vợ chồng đâu. Sống với nhau vì tình vì nghĩa chứ đâu vì sự ràng buộc của tờ giấy vô tri đó.

Trưởng thôn Vàng A Páo cho biết, ở Tu Thượng này có nhiều cặp vợ chồng lấy nhau như Páo. Ngay cạnh nhà Páo là nhà của vợ chồng Lý A Đoàn - Giàng Thị Phai. Bố của Đoàn và mẹ của Phai là anh em ruột. Năm nay, Đoàn 23 tuổi, Phai 21 tuổi, về ở với nhau mới được hai mùa rẫy nhưng đã có hai mặt con.

Trái đắng

Chủ tịch xã Nậm Xé - Triệu Trung Phấu thừa nhận, trước đây trong cộng đồng người Mông Xanh, việc hôn nhân cận huyết là phổ biến. Những năm gần đây, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt nên hiện tượng này đã giảm bớt. Ông Phấu cũng khẳng định một thông tin đau lòng là những đứa trẻ được sinh ra bởi bố mẹ chúng có gần dòng máu thường còi cọc, kém thông minh hơn những đứa trẻ bình thường.

Những đứa con của Páo, Đoàn đều nhanh nhẹn, kháu khỉnh. Tuy nhiên, ở Tu Thượng này không có nhiều trường hợp may mắn như vậy. Mấy mùa rẫy gần đây, mái ấm của Vàng A Pao và Lý Thị Hà bặt vắng tiếng nói cười.

Thuở trước, như đôi chim trên trời, đôi cá dưới nước, Pao và Hà tuy là anh em con dì con dà nhưng quấn quýt, bện chặt như trúc mã thanh mai. Thân thiết vậy nên khi tuổi cập kê, khi con tim biết thương biết nhớ thì hai đứa đã nhận ra rằng, mình sống không thể thiếu nhau. Là con… một nhà nên việc cưới xin của đôi trẻ không có nhiều trở ngại. Lễ vật gọi là, miễn là đôi lứa nên đôi, gia đình của hai đứa đều nghĩ vậy.

Về với nhau, đôi trẻ Pao, Hà đã có những ngày mặn nồng hạnh phúc. Và rồi, niềm vui tưởng như bất tận khi tình yêu của họ kết trái đơm hoa. Thế nhưng, có ai biết rằng đó lại là… trái đắng. Pao đếm từng ngày mong đứa con trong bụng vợ mình cất tiếng khóc chào đời. Và rồi, niềm mong mỏi ấy cũng vỡ oà trong sự hân hoan, mừng vui tột độ của đôi vợ chồng trẻ.

Đứa con của Pao trông trắng trẻo, xinh xắn như bao đứa trẻ khác trong vùng. Tuy nhiên, khi đứa con cưng đó lên 3 thì vợ chồng Pao bàng hoàng trước một sự thật đau đớn rằng, con mình bị thiểu năng trí tuệ. Buồn hơn, đôi chân của nó bị bại liệt hoàn toàn, đặt đâu chỉ biết ngồi nguyên chỗ đó, mặt ngây ngây chẳng khóc chẳng cười. Bây giờ, đứa bé vẫn vậy. Vợ chồng Pao đi đâu cũng phải bỏ nó vào gùi, mang theo để tiện bề chăm bẵm.

Lên xứ sở của người Mông Xanh này, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện xung quanh nỗi đau “nuôi con dở, con điên”. Gia đình ông Lý A Lơ cũng đã mấy chục năm hứng chịu “sự trừng phạt của tạo hoá” này.

Theo Trưởng thôn Vàng A Páo thì con trai ông Lý A Lơ là Lý A Giơ, đã gần 30 năm nay sống trong điên dại. Giờ không làm được bất cứ việc gì, tối ngày quanh quẩn ở nhà, đứng ngồi như người bị ma rừng bắt mất hồn vía. Trưởng thôn Páo bảo, vợ chồng ông Lơ cùng họ (họ Lý) và bà thì đã mất khi tuổi mới đôi mươi.