Dân Việt

Ngăn chặn "những cái chết lãng xẹt”: Bế tắc

09/09/2010 16:22 GMT+7
(Dân Việt) - Tình trạng tự tử ào ạt ở các huyện miền núi tỉnh Bình Định đang gây nhiều lo lắng cho lãnh đạo tỉnh này. Ai cũng nghĩ cần có giải pháp ngăn chặn nhưng tất cả đều bế tắc khi đưa ra một giải pháp tối ưu...

Chúng tôi nêu câu hỏi giải pháp cho tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số dễ dãi trong việc tự tử với nhiều lãnh đạo cơ quan chức năng nhưng phần đông từ chối nhẹ nhàng.

Một cán bộ nói: Chuyện này ngó vậy mà không đơn giản. Đồng bào dân tộc thiểu số rất hay “hiểu nhầm”. Ngăn chặn không khéo, họ lại tưởng chuyện tự tử là “hay” rồi rủ nhau bắt chước thì có trời cũng không cản nổi.

Một cán bộ ở Phòng Tôn giáo và Dân tộc (Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định) giải thích thêm: Khi nạn tự tử rộ lên, cơ quan chúng tôi liền tổ chức những chuyến thâm nhập thực tế nhằm tìm nguyên nhân. Dự kiến là sẽ đến từng nhà có nạn nhân tự tử để hỏi chuyện. Thế nhưng cán bộ cơ sở ngăn cản quyết liệt. Họ bảo, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhà nào cán bộ tỉnh ghé thăm họ cho là “oai”.

Họ nghĩ rằng nhờ có người tự tử nên mới được “oai” như vậy, nên sẽ bắt chước làm theo. Do đó chúng tôi âm thầm tìm hiểu rồi đề xuất giải pháp chứ không dám làm rầm rộ.

Ông Trương Văn Vinh - Phó ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Bình Định- cho biết thêm: Trong ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số, tự tử là cách “trả thù” người còn sống. Khi có mâu thuẫn, người yếu thế hơn liền tìm đến cái chết với suy nghĩ cái chết của mình sẽ làm cho cái bụng của người kia bị “cái đau đớn” dằn vặt suốt đời.

Ông Trần Công Sý -Trưởng Ban Dân tộc và miền núi tỉnh Bình Định, từng là Chủ tịch UBND huyện miền núi Vĩnh Thạnh - bộc bạch: “Nguyên nhân dẫn đến nạn tự tử là đa dạng, nhưng chung quy xuất phát từ trình độ nhận thức quá thấp của bà con. Cái ăn còn chưa đủ thì chuyện học, chuyện nâng cao dân trí với họ còn quá xa vời”.

Cũng theo ông Sý, muốn ngăn chặn triệt để nạn tự tử, trước tiên cần phải tăng cường chăm lo đời sống cho họ. Khi khó khăn vật chất được giảm bớt, những mâu thuẫn nội bộ gia đình sẽ được giảm theo, đồng thời họ sẽ thảnh thơi tiếp nhận những hiểu biết về tinh thần. Đến khi ấy, công tác tuyên truyền, hòa giải tại cơ sở mới phát huy hết hiệu quả.

Ngành giáo dục cũng phải vào cuộc, uốn nắn, giải thích những suy nghĩ lạc hậu về nạn tự tử cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đang ngồi trên ghế nhà trường. Ông Sý nói thêm: “Tập tục tự tử của đồng bào Hrê khác với đồng bào Bana hoặc Chăm. Do đó, để ngăn chặn hiệu quả chúng ta phải có những giải pháp tuyên truyền riêng biệt mới mong đạt hiệu quả cao”.