Dân Việt

Kinh nghiệm làm GAP của Thái Lan

06/06/2012 14:07 GMT+7
(Dân Việt) - Chương trình ThaiGAP của Thái Lan ra đời trước VietGAP nước ta ít năm. Đây là chương trình mà người Thái mang kỳ vọng cao với mong muốn là trở thành "Nhà bếp" của thế giới.

Vì thế, việc học tập kinh nghiệm tổ chức và sản xuất nông sản theo GAP của Thái Lan là rất cần thiết.

Những năm trước đây, Thái Lan cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập các thị trường xuất khẩu rau quả do những đòi hỏi cao. Tiêu chuẩn chính để tiếp cận những thị trường này là chất lượng và sự an toàn của thực phẩm. Cách tốt nhất để đạt được và đảm bảo những tiêu chuẩn này là thực hiện và quản lý rành mạch các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng thực phẩm đã được quốc tế công nhận.

img
Với một chiến lược phát triển đúng đắn, trái cây Việt Nam có thể vươn xa tới nhiều nước trên thế giới. Duy Khương

Để nâng tầm và phát triển GAP cho cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, Thái Lan đã cho ra đời tiêu chuẩn ThaiGAP. ThaiGAP được thiết lập năm 2007 nhằm mục đích xây dựng điểm chuẩn với GlobalGAP, là nỗ lực để hợp nhất sự đa dạng GAP của những nhà bán lẻ, và như vậy tránh được sự đòi hỏi phải cấp chứng nhận nhiều phía. Mục tiêu của ThaiGAP là có được một chất lượng ngang bằng với tiêu chuẩn thế giới.

Trong giai đoạn đầu, ThaiGAP cũng gặp phải những khó khăn như VietGAP của ta. Người nông dân chưa có ý thức đầy đủ về sự an toàn, những tác động về xã hội và môi trường của GAP, thiếu kiến thức về GAP.

Việc duy trì hồ sơ ghi chép cũng không đạt yêu cầu, thực hành thiếu vệ sinh trong sản xuất và chế biến thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp và thiếu trực tiếp liên kết từ sản xuất với thị trường. Các công ty xuất khẩu lớn tham gia cũng còn quá ít, thiếu lao động có kỹ năng…

Ở cấp các cơ quan chính phủ cũng còn chưa hiểu rõ về vai trò của chương trình GAP quốc gia, thiếu tầm nhìn xa, thiếu sự phối hợp trong việc đào tạo và huấn luyện theo GAP...

Vì thế, để thực hiện tốt và phát triển hơn nữa chương trình GAP quốc gia, Thái Lan đã có những cải tạo đáng kể như: Ban hành và thực hiện các chính sách cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm; Thiết lập hệ thống GAP quốc gia; Quy định cơ cấu tổ chức và hướng dẫn cho việc phát triển cao hơn kế hoạch chương trình GAP quốc gia; Tách bạch rõ vai trò và trách nhiệm của mỗi cơ quan chính phủ và các bộ phận tư nhân; Khuyến khích việc đối thoại giữa tất cả các thành viên liên quan; Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát và lên kế hoạch tiến hành; Cung cấp dịch vụ tư vấn và huấn luyện về GAP cho cả những người sản xuất cá thể, tập thể và các doanh nghiệp trong nước... Nhờ đó, từng bước rau hoa quả của Thái Lan đã thâm nhập được vào ngày càng nhiều nước trên thế giới.