Trao "cần câu"
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới thuộc diện khó khăn nhất của cả nước. Bởi vậy, chăm lo tốt đời sống 20 dân tộc anh em; trong đó có nhiều dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, với trình độ dân trí và mức thu nhập rất thấp, luôn là thách thức đối với tỉnh.
Giao thông của người dân xã Mường Khoa đã bớt khó khăn nhờ có cây cầu treo. |
Quả thật, có đến với vùng cao, vùng xa như Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ hay Tân Uyên, Than Uyên… ở Lai Châu, mới thấy được bài toán tháo gỡ khó khăn cho bà con đồng bào dân tộc thật nan giải. Đói ăn, thiếu mặc là nỗi lo thường nhật đã đành, nhưng lo hơn là bà con "đói cả cách làm ra cơm và thiếu hạ tầng cơ sở hỗ trợ". Tỉnh Lai Châu đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội sát thực với từng giai đoạn, từng địa bàn; đồng thời có chính sách hỗ trợ hợp lý để giúp bà con tháo gỡ khó khăn theo phương châm “trao cần câu để dân câu cá”.
Với phương châm này, hơn 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư có hiệu quả tổng nguồn vốn hơn 2.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó tập trung cao cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cho vốn vay ưu đãi, xoá nhà tạm cũng được tiến hành đồng bộ. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn nói chung và vùng đồng bào dân tộc ở Lai Châu nói riêng, đã có bước phát triển vượt bậc; đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, tỷ lệ giảm nghèo trung bình mỗi năm từ 6 -7%.
Giúp đồng bào "câu cá".
Đó chính là một trong những cái khó hiện nay trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao. Đồng bào có “cần câu” rồi nhưng phải hướng dẫn cho họ sử dụng sao cho hợp lý, hiệu quả để “câu được cá”. “Nông dân vùng cao chưa quen với sản xuất tiến bộ nên cán bộ muốn đưa khoa học kỹ thuật vào thì phải cầm tay chỉ việc, làm ra hiệu quả, dân thấy rồi mới tin và làm theo” - ông Đặng Xuân Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Uyên bày tỏ.
Giải pháp "giúp dân câu cá" hiện nay mà Lai Châu đang vận dụng triệt để là hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy hoạch. Lão nông Lò Văn Chớ, dân bản Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Tam Đường cho biết: Mấy năm gần đây, chính quyền, Hội Nông dân, ngành Khuyến nông và Lao động - Thương binh - Xã hội trong tỉnh liên tục tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà còn từ những kinh nghiệm đơn giản như: Nuôi lợn, nuôi gà, trâu, bò, trồng lúa nương, lúa nước…, tới những kinh nghiệm cao hơn như nuôi lợn siêu nạc, nuôi cá hồi; trồng rau sạch, trồng thảo quả... Cũng nhờ những lớp tập huấn ấy mà chúng tôi còn biết được con vật nuôi nên bán ở thời điểm nào là có lợi nhất.
Chỉ vào cây cầu treo mới được khánh thành cuối năm 2011 nhờ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của người dân trên địa bàn, anh Lò Văn Đăm, dân bản Xiếc Hào, xã Mường Khoa bảo: "Bà con đã được hưởng nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở, nước sinh hoạt, thuỷ lợi, giao thông, nhà lớp học, điện... Tới đây, người dân Mường Khoa còn có điện lưới quốc gia nữa. Nhờ thế mà đời sống của chúng tôi đã bớt đi nhiều khó khăn".
Kiều Thiện