Dưới gầm ngôi nhà sàn 5 gian của anh Lò Văn Cương ở trung tâm bản Nà Tấu, hàng chục học viên lớp học nghề mây, tre đan xuất khẩu đang nhộn nhịp với những công việc đã thành dây chuyền: Chẻ nan, chuốt sợi mây, uốn khung cạp, đan mặt ghế...
Lớp học nghề mây, tre đan ở bản Nà Tấu tiếp nhận vật liệu học nghề do Trung tâm DNHTVL tỉnh tài trợ. |
Không học sẽ mất nghề
Anh Cương cho biết: Lớp học nghề này do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm (DNHTVL)-Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Học ở đây, học viên được hỗ trợ thêm tiền ăn hàng ngày, được Trung tâm tài trợ nguyên vật liệu, được các thợ lành nghề chỉ dạy rất cẩn thận. “Lớp học có 150 học viên nên chúng tôi phải chia ra thành 3 nhóm, mỗi nhóm 50 hộ để học và thực hành nghề thuận tiện” - anh Cương chia sẻ.
Tưởng cái nghề mây, tre đan nhàn hạ sẽ chỉ thu hút những học viên già yếu, phụ nữ vướng bận con nhỏ, để tranh thủ thời gian lúc nông nhàn, nhưng ở lớp học này, không ít nam thanh, nữ tú học nghề chăm chỉ.
Học viên trẻ nhất lớp - em Lò Văn Dương vừa tròn 18 tuổi, cho biết: “Đan mây, tre là nghề truyền thống của bà con các dân tộc vùng cao để sản xuất những vật dụng sinh hoạt trong nhà. Em nghĩ: Cũng như cái áo cóm, khăn piêu, múa xoè của người Thái; nghề mây, tre đan này nếu không học, không làm thì sẽ mất dần đi. Ở nhà sàn mà dùng ghế gỗ, mâm nhôm thì buồn cười lắm”.
Sẽ hình thành làng nghề
Trong lớp học nghề mây, tre đan ở Nà Tấu đợt này, gia đình ông Quàng Văn Hặc có tới 4 người tham gia. Ông Hặc chia sẻ: “Trước kia, tôi vẫn từng làm những chiếc ghế, cái mâm, gối, ếp… nhưng đó là làm để sử dụng trong nhà nên chẳng để ý gì tới hình thức. Còn chất lượng của vật liệu cũng chẳng cần nghĩ nhiều, hỏng thì đan cái khác. Mây, tre sẵn trên rừng; thời gian rảnh rỗi nhiều. Bây giờ về lớp học nghề để làm hàng hoá mới thấy hình thức và chất lượng sản phẩm rất quan trọng”.
Chỉ vào chồng ghế mây xếp cao bên dưới sàn, ông Hặc tâm sự: “Mình phải chuốt cẩn thận từng sợi nan, thắt từng nút buộc cho gọn. Làm nhanh nhưng phải tốt thì khách mới mua. Hàng của chúng tôi làm ra không đủ bán”. Ông Hặc cho biết thêm, lớp học này vừa có nguồn của Trung tâm hỗ trợ mỗi buổi học, lại có nguồn thu từ sản phẩm nên các buổi học chẳng vắng một ai.
Ông Quàng Văn Hặc
“Cả 2 vợ chồng tôi và con trai, con dâu đều theo học nghề. Ngoài làm ruộng ra, chúng tôi đã có thêm nguồn thu khá ổn định. Một người nếu làm chăm chỉ, 1 ngày có thể thu hơn 100.000 đồng từ nghề này…” - ông Hặc chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Minh-Giám đốc Trung tâm DNHTVL tỉnh Điện Biên cho biết: Qua khảo sát thị trường và nhu cầu học nghề của bà con Nà Tấu, Trung tâm đã đầu tư mở lớp dạy nghề mây, tre đan này với hy vọng tạo được việc làm, hình thành làng nghề truyền thống. Hiện ở Nà Tấu đã thành lập HTX Mây tre đan xuất khẩu nhưng chất lượng và số lượng hàng hoá chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Với 150 học viên của khoá học này, tới đây việc hình thành làng nghề sẽ rất thuận lợi.
Minh Ngọc