Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ vốn đưa cơ giới về đồng ruộng, chẳng hạn chủ trương "nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn". Những chính sách, những chủ trương đó là đúng. Chỉ có điều nó không thực tế, nó mâu thuẫn với những chính sách, chủ trương khác.
Ví dụ, với quy định máy móc được hỗ trợ phải là loại "có tỷ lệ nội địa hóa 60% trở lên", trong khi những con "trâu sắt" này thực tế "không đủ sức kéo cày". Hay việc cơ giới hóa sản xuất, "nền sản xuất hàng hóa lớn" lại được thực hiện trong hoàn cảnh hạn chế về hạn điền. Liệu có anh hai lúa, ba lúa nào có thể "xây dựng một nền sản xuất hàng hóa lớn" trên những mảnh ruộng không lớn quá… bàn tay?
Càng nghĩ càng thấy các nhà hoạch định chính sách nhiều khi quá xa rời cuộc sống. Một đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, một nền nông nghiệp "điểm tựa" của cả nền kinh tế, thế mà đến giờ vẫn mang trong mình căn bệnh "được mùa rớt giá", nói như một đại biểu Quốc hội, chỉ vì chủ trương xây dựng kho dự trữ lúa gạo "hầu như còn trên giấy", chỉ vì những cái trạm bơm, được phê duyệt từ 2009 đến giờ vẫn mất tích.
Sự bất công cho tam nông còn được thể hiện rõ qua các con số FDI vào nông nghiệp và nông thôn quá thấp. Trong suốt 10 năm qua, tổng vốn đầu tư đăng ký trong nông nghiệp chỉ 2,3% vốn đầu tư của cả nước. Trong khi Quốc hội bàn về chuyện đầu tư cho tam nông thì ở Đồng Tháp, giá gạo giằng co, nông dân lỗ nặng. Tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL. Điều ế. Hạt tiêu khó tăng. Còn Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đang mải tranh luận xung quanh chính sách hỗ trợ tạm trữ đường.
Nông dân, diêm dân, ngư dân, chính là những chủ thể của tam nông được bàn đến hôm qua. Nhưng họ nhạy cảm với sự nghèo khó đến nỗi, chẳng hạn chỉ với một cơn mưa dông, 600 diêm dân ở Quảng Ngãi lập tức trở thành tay trắng. Với những người phải tính từng xu cho cái miệng, thì việc nhiều tờ báo giật tít "nông dân săn hoa hậu" với nhiều ngàn USD trong đường dây hoa hậu, diễn viên bán dâm, quả thực là một điều xúc phạm! Bởi nông dân thứ thiệt đâu có giàu có tầm cỡ như vậy.
Đào Tuấn