Thí sinh sẽ bị xử lý theo quy chế
Sau khi clip được phát tán và các cơ quan chức năng vào cuộc, những “người trong cuộc”, nhất là các thí sinh, bắt đầu hoang mang mặc dù đã được xác định tư tưởng từ trước là sẽ phải đối đầu với “mức án” cao nhất là bị huỷ bài thi và cấm thi tốt nghiệp 1 năm sau đó.
Trường THPT dân lập Đồi Ngô - nơi xảy ra vụ việc đang gây sự chú ý của dư luận. |
Theo lời ông Đỗ Việt Khoa - người đưa clip lên Youtube thì: “Bút có gắn camera được mang vào quay clip chỉ có chức năng thu không có chức năng phát tại chỗ là không vi phạm quy chế”.
Tuy nhiên, trao đổi với NTNN về vấn đề này ngày 7.6, ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) phân tích: “Không thể bắt bẻ câu chữ ở đây được. Ở Điều 20 quy chế tuyển sinh có viết: “…Những vật dụng được mang vào phòng thi bao gồm bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử”. Như vậy, chiếu theo quy định này, bút gắn linh kiện điện tử là camera là đã vi phạm quy chế”.
Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, việc em S - người quay clip - vi phạm không bị lập biên bản trong quá trình thi mà sau đó mới được phát hiện thì vẫn bị xử lý theo quy chế. Bởi lẽ, ngay cả trong quá trình chấm bài thi của thí sinh mà hội đồng chấm thi có phát hiện ra các bài thi có dấu hiệu tiêu cực như: Chép bài của nhau, sai giống nhau giữa các bài thi gần nhau hay chép mẫu… thì hội đồng chấm thi vẫn có thể hồi tố để xử lý.
“Quan trọng không phải là trước, trong hay sau mà là có chứng cứ đầy đủ để chứng minh là thí sinh, giám thị có vi phạm quy chế hay không” – ông Nghĩa nói. Cũng theo ông Nghĩa, những thí sinh và giám thị có tiêu cực đã được ghi hình trong clip chắc chắn phải bị xử lý, còn mức độ như thế nào thì phải chờ kết quả của Sở GDĐT Bắc Giang và thanh tra Bộ.
Cần làm rõ “công” và “tội”
Mặc dù việc dùng bút có gắn máy quay đã được Bộ GDĐT khẳng định là vi phạm quy chế thi nhưng nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần có biện pháp xử lý nhẹ tay đối với thí sinh đứng ra tố cáo để không “vùi dập” những tư tưởng, hành động đấu tranh chống tiêu cực sau này.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: “Kể cả toà án khi xử các vụ việc cũng phải luận tội, luận công và xem xét rõ động cơ phạm tội để có thể có mức án phù hợp nhất cho phạm nhân chứ không nói gì đến việc thí sinh tố cáo tiêu cực. Ở đây tôi nhận định em S chỉ mang bút vào để quay cảnh phòng thi, không có cảnh em quay đề thi, bài làm của bạn”.
Luật sư Trương Văn Dũng - Hội Luật gia Hà Nội: 2 hướng có thể xử lý vụ việc
Nếu chứng minh được việc thí sinh mang bút gắn camera vào phòng thi để quay cóp thì phải xử lý đúng theo quy chế tuyển sinh. Nếu không chứng minh được điều này mà vẫn quy cho thí sinh này vi phạm mang vật dụng không đúng quy định vào phòng thi thì khi xử lý cần phải xem xét dựa trên kết quả học tập 3 năm phổ thông của em này và kết quả bài thi tốt nghiệp THPT ra sao để thấy được động cơ và tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra, việc 24 giám thị và thí sinh vi phạm quy chế thi đã có bằng chứng rõ ràng thì nhất định phải xử lý theo luật định.
Cũng theo ông Nhĩ, việc quay clip của 2 thí sinh ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô thì cần xét rõ động cơ và hành động: Các em làm như thế mục đích là gì? Có lợi gì cho các em không? Có phải vì tiền? Khi hành động có gây rối loạn phòng thi, hội đồng thi hay không? Có ảnh hưởng gì đến lợi ích chính đáng của các thí sinh khác không?
“Đây cũng chỉ là một việc làm “cực chẳng đã” để tố cáo được sai phạm. Thí sinh có thể ghi tên giám thị và những thí sinh vi phạm, sau buổi thi làm đơn kiến nghị lên hội đồng thi… nhưng những cách làm hợp pháp và theo quy trình này thường ít nhận được phản hồi như mong muốn vì không có bằng chứng. Chính vì vậy, dù có sai nhưng cũng chỉ nên dùng hình thức khiển trách đối với 2 thí sinh quay clip này” – ông Nhĩ nói.
Đồng quan điểm, GS - TS Đinh Quang Báo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm cho biết: “Thí sinh đó vừa đáng khen, vừa đáng chê. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay, khi mà chúng ta đang lên án bệnh thành tích trong thi cử thì nên xử lý làm sao để thấy được khen phải nhiều hơn chê. Rõ ràng, nếu không có hành động này thì sẽ không phát hiện ra gian lận, sự thật không được phanh phui”.
Theo dõi vụ việc này rất sát sao, GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định: “Tôi đánh giá 2 em thí sinh rất dũng cảm. Nếu chúng ta không bảo vệ người dũng cảm mà lại khép họ vào tội này, tội khác trong khi biết rõ hành động này không phải là vụ lợi cá nhân thì chẳng còn ai dám đấu tranh với cái xấu nữa”.
Tùng Anh - Nguyễn Quyết
Tùng Anh