Dân Việt

Tấm lòng thơm thảo của người xa quê giúp quê nghèo khởi sắc

08/06/2012 18:28 GMT+7
(Dân Việt) - Với số tiền đóng góp mỗi năm trên 2,5 tỷ đồng để xây dựng làng quê, người dân xã Bình Dương (huyện Bình Sơn), đã làm nên chuyện mà đến thời điểm này hiếm thấy nơi nào ở dải đất miền Trung làm được.

Ông Lê Minh Chính - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: Thời điểm năm 1994, cơ sở hạ tầng của xã tệ lắm: Mùa mưa thì đường đi lầy lội; trường hư hỏng xuống cấp, chợ thì lụp xụp, tạm bợ... Vì vậy, lãnh đạo địa phương luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để thay đổi được bộ mặt của xã. Nhưng nếu trông chờ vào ngân sách từ trên cấp xuống, thì chưa biết đến bao giờ. Nếu huy động người dân tại chỗ thì rất khó, biết khi nào cho đủ.

img
Chợ Hôm - công trình do người dân đóng góp xây dựng.

Nhận thấy nhiều người con của Bình Dương rời quê đi làm ăn xa đã thành đạt tại các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng..., năm 2004, “Tổ công tác đặc biệt” gồm Bí thư, Chủ tịch UBND và đại diện một số đoàn thể của xã đã “khăn gói” đón xe lên đường.

Ông Chính tâm sự: Ngay lần đi đầu tiên của năm đó, một gia đình ở TP. Hồ Chí Minh đã ủng hộ xây một phòng máy vi tính, với đầy đủ thiết bị, trị giá 230 triệu đồng... Và từ đó đến nay, những người con xa quê của Bình Dương đóng góp năm ít nhất cũng gần 100 triệu đồng, còn năm nhiều nhất trên 16 tỷ đồng. Tổng cộng trong khoảng 7 năm qua, số tiền mà người dân Bình Dương đang sống và làm ăn ở các tỉnh, thành đã đóng góp là 20,15 tỷ đồng (nhiều nhất là từ TP. Hồ Chí Minh, với số tiền chiếm đến 90%).

Trong số những người đóng góp cho quê hương nhiều nhất là gia đình cụ Cao Ngọc Liên (80 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh). Theo lời ông Chính, gia đình cụ Liên đã rời quê hơn 20 năm nay. Ngoài những đóng góp chung, năm 2009, gia đình cụ đã đầu tư 3 tỷ đồng để xây chợ Hôm, 150m kè bê tông và công viên có diện tích 300m2, năm 2010, đầu tư 16 tỷ đồng để làm cầu Bà Dầu, dài 185m, bắc ngang qua sông Trà Bồng, nối liền 2 xã Bình Dương - Bình Thới.

Và vừa qua, một người con của cụ Liên đã cam kết sẽ góp khoảng 200 triệu đồng để làm thêm 150m bờ kè ven sông. Mặc dù đóng góp lớn như vậy, nhưng chưa bao giờ cụ Liên và các con cháu của mình đòi hỏi điều gì, ngoài một đề nghị duy nhất là không được nói tên các thành viên của gia đình đã đóng góp cho bất kỳ ai biết. Vì “đã giúp người, làm việc tốt thì xưng danh sẽ giảm đi ý nghĩa”.

Nhờ biết vận động người dân chung sức xây dựng nông thôn, xã nghèo Bình Dương đã “lột xác” trở thành một trong những địa phương có “bộ mặt” đẹp vào hàng nhất nhì” ở vùng nông thôn của Quảng Ngãi. Xã Bình Dương còn được tỉnh chọn là một trong những xã để xây dựng điểm của mô hình nông thôn mới.