Dân Việt

Huyện An Dương (Hải Phòng): Hội Nông dân tiên phong làm kinh tế

08/06/2012 14:29 GMT+7
(Dân Việt) - Mặc dù còn nhiều khó khăn, song trong nhiệm kỳ 2007 - 2012, Hội Nông dân (ND) huyện An Dương luôn dẫn đầu các phong trào, đặc biệt là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Hội đã hỗ trợ cho hàng nghìn người dân học nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của huyện.

Xây dựng Hội vững mạnh

Huyện An Dương nằm ở “cửa ngõ” của TP. Hải Phòng, tiếp giáp với Hải Dương, là một huyện có nhiều điều kiện để phát triển nông, công nghiệp. Trong những năm qua, huyện luôn giữ mức tăng trưởng kinh tế cao, trong đó nông nghiệp chiếm một tỷ lệ đáng kể.

img
Bộ mặt nông thôn của huyện An Dương ngày càng khởi sắc.

Ông Hoàng Văn Sơn – Chủ tịch Hội ND huyện cho biết, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự chỉ đạo, định hướng của Hội ND thành phố và các cấp, các ngành, Hội ND An Dương đã ngày càng phát triển vững mạnh.

Ông Sơn cho biết thêm: “Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội ND Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng giai cấp ND Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” và Quyết định 673/QĐ-TTG, ngày 10.5.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội ND Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020… là cơ sở tạo thêm “tiếng nói” của Hội, giúp Hội ngày càng phát triển vững mạnh hơn”.

Để củng cố xây dựng Hội vững mạnh, ngoài thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương và thành phố, Hội ND An Dương còn tích cực tổ chức tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, chính sách pháp luật, đặc biệt là những chủ trương chính sách về phát triển kinh tế đến tất cả các chi hội. Cụ thể trong 5 năm qua, Hội đã tổ chức được hơn 700 buổi tuyên truyền, với gần 92.000 người tham gia. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với đài truyền hình thành phố xây dựng 30 phóng sự về các phong trào thi đua sản xuất giỏi, gương người tốt việc tốt, xây dựng NTM.

Hiện, Hội ND huyện An Dương có 20.462 hội viên, trung bình mỗi năm kết nạp thêm 500 – 1.000 hội viên mới, tăng 6.425 hội viên so với năm 2006. Về việc phát triển hội viên, ông Sơn cho hay: “Hội luôn đổi mới trong nội dung sinh hoạt. Trong các buổi sinh hoạt, ngoài nội dung kiểm điểm, đánh giá tình hình hoạt động, hội viên còn được thông tin về tình hình thời sự, chính sách, tập huấn khoa học - kỹ thuật (KHKT), trao đổi kinh nghiệm sản xuất… do đó tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt luôn đạt trên 80%. Ngoài ra, công tác xây dựng quỹ hội luôn được quan tâm. Hiện 100% cơ sở hội đều có quỹ với trên 238 triệu đồng (tăng 132 triệu đồng so với năm 2006), trung bình 14,8 triệu đồng/cơ sở hội”.

Lấy phát triển kinh tế làm thước đo

Một điều không thể phủ nhận là trong những năm gần đây, Hội ND huyện An Dương đã và đang góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của huyện, trong đó nổi lên là “Phong trào nông dân thi đua lao động sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng”. Để phong trào này đạt hiệu quả, Hội đã tổ chức 150 lớp tập huấn KHKT và hội thảo đầu bờ cho các hộ dân, thu hút hàng vạn người tham gia. Từ năm 2007 đến nay, Hội đã tuyên truyền, vận động cải tạo được 438ha vườn tạp, sửa chữa và xây mới 1.230m2 chuồng trại để phát triển theo hướng gia trại, trang trại, đưa vào sản xuất nhiều loại cây ăn quả có giá trị như: Xoài, vải thiều, cam, quýt… Ngoài ra, Hội còn giúp người dân đưa các giống gia súc, gia cầm có giá trị, chất lượng cao vào chăn nuôi.

Tính đến hết năm 2011, An Dương có khoảng 2.000 trang trại, gia trại làm ăn có lãi từ 50 triệu đồng trở lên, trong đó có nhiều trang trại cho lãi vài trăm triệu mỗi năm, như: Trang trại nuôi gia cầm của anh chị Lượng Huệ, trang trại nuôi cá cảnh của anh Đại (xã Hồng Phong), trang trại tổng hợp của anh Huệ (xã Hồng Thái)… thu hút hơn 1.000 lao động, với thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Sơn cho hay: “Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp với Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng CSXH, Trạm Vật tư nông nghiệp và bằng uy tín Hội đã tín chấp để nông dân có vốn, vật tư phát triển sản xuất. Cụ thể là tín chấp với Ngân hàng NNPTNT 25 tỷ đồng, Ngân hàng CSXH 42,5 tỷ đồng. Hội phối hợp với Trạm Vật tư theo hình thức ứng trước vật tư, thu tiền sau mùa, tiếp nhận 1.024 tấn vật tư các loại, trị giá gần 10 tỷ đồng cho trên 20.000 lượt người vay. Nhờ có vốn sản xuất, được tập huấn và tiếp thu KHKT, người dân đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện cả huyện có khoảng 9.803 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó cấp Trung ương 9 hộ, thành phố 115 hộ, huyện 2.468 hộ”.

Bên cạnh đó, Hội còn triển khai phong trào giúp đỡ người nghèo, theo tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, trong đó, mỗi chi hội nhận giúp đỡ từ 1 – 2 hộ nghèo và các gia đình chính sách về vật chất, con giống, ngày công… để ổn định đời sống, từng bước thoát nghèo. Cụ thể, Hội đã giúp 850 triệu đồng tiền mặt, 123 tấn lương thực, 3.720 con giống, 86 tấn vật tư các loại và khoảng 8.745 ngày công cho hàng trăm hộ dân. Do đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ gần 10% (2006) còn 5,15% (năm 2011). Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trường Trung cấp Nghề An Dương mở 65 lớp dạy nghề như: May công nghiệp, điện dân dụng, sửa chữa xe máy… cho 1.230 hội viên, trong đó có 840 người đang có việc làm ổn định.

Tích cực trong xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, Hội ND huyện An Dương đã tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay. Với các hình thức như vận động hội viên đóng góp tiền của, vật liệu xây dựng, hiến đất, để tu bổ các công trình thủy lợi, đường, điện, hệ thống nước sạch, trạm y tế… từ năm 2007 đến nay, Hội đã đóng góp được 20,637 tỷ đồng và 5.900 ngày công, sửa chữa 7.106km đường giao thông, kiên cố hóa 71km kênh mương, xây mới và sửa chữa 631 phòng học, trạm y tế. Hiện có 14 tuyến đường được gắn biển do Hội quản lý. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân ngày một nâng cao.

Từ năm 2007 đến nay, Hội đã đóng góp được 20,637 tỷ đồng và 5.900 ngày công, sửa chữa 7.106km đường giao thông, kiên cố hóa 71km kênh mương, xây mới và sửa chữa 631 phòng học, trạm y tế.

Để hoàn thành tiêu chí văn hóa, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Ủy ban MTTQ huyện phát động, Hội đã tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, bằng các việc làm cụ thể như thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, lễ hội, đám hiếu, gìn giữ vệ sinh môi trường… thông qua các câu lạc bộ “Gia đình nông dân phát triển bền vững”; Chi hội ND không có người vi phạm pháp luật”; “Chi hội không có người sinh con thứ 3”… Hàng năm có 90% số hội viên đăng ký, trong đó 85% gia đình đạt “Gia đình văn hóa”.

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, ông Sơn cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2012 – 2017, Hội phấn đấu có 100% gia đình hội viên đăng ký và phấn đấu đạt chuẩn gia đình văn hóa, 98% hội viên không sinh con thứ 3, 100% nông dân được dùng nước sạch, 95% gia đình tham gia Câu lạc bộ “Gia đình nông dân phát triển bền vững”.