Dân Việt

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đầu tư công cho tam nông sẽ tăng

13/06/2012 19:47 GMT+7
Dân Việt - “Đầu tư công trong thời gian tới vẫn tăng lên, tổng mức đầu tư tăng 2 lần trong 5 năm tới. Tuy nhiên, vấn đề là phải làm sao để tổng đầu tư xã hội vào khu vực nông thôn, nông nghiệp tăng nhiều hơn".

Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) trước tình trạng cắt giảm đầu tư công quá mức gây kiệt quệ nền kinh tế, trước hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước gây ra các vụ Vinashin, Vinalines, trước việc quản lý nguồn vốn ODA chưa chặt chẽ gây ra những lùm xùm thời gian qua... là những vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải trình chiều 13.6.

img
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh Vnexpress

Phần trả lời của Bộ trưởng Vinh đã đi trúng, đi đúng vào vấn đề được hỏi, “thể hiện sự nghiêm túc cũng như khả năng nắm vững tình hình thực tiễn của đất nước” như đánh giá cuối phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phần trả lời của Bộ trưởng Vinh cũng được cho là “kỷ lục” khi giải đáp được 27 câu hỏi của 24 đại biểu (ĐB) chỉ trong một buổi chiều.

Tiền đâu để tái cơ cấu?

Trước câu hỏi khá khó của ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), Bộ đã tính xem tổng nhu cầu nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế là bao nhiêu và lấy ở đâu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu quan điểm: Nhà nước sẽ không bỏ ra một gói cụ thể để hỗ trợ mà các doanh nghiệp (cả nhà nước và tư nhân) sẽ tự lo nguồn vốn trong việc tái cấu trúc.

Nhà nước chỉ đưa ra các chính sách định hướng các thành phần kinh tế chuyển đổi theo hướng tái cơ cấu này. Bên cạnh đó, Nhà nươc cũng sẽ có những chính sách miễn giảm, ưu đãi, hỗ trợ công nghệ nguồn cho DN.

Ông Vinh cho biết thêm, trong đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế có 4 dự án thành phần gồm: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính, chứng khoán và tái cơ cấu DN nhà nước. Đến giờ, với 4 đề án này chưa tính được cụ thể là bao nhiêu. Tới đây, khi có con số sẽ cộng các đề án nhỏ sẽ ra tổng nguồn vốn cần để tái đầu tư.

Trước câu hỏi của ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) về trách nhiệm của Bộ khi không giám sát, theo dõi hoạt động của các tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước nên không phát hiện sai phạm, Bộ trưởng Vinh thành thật: “Thực sự là cái này Bộ không nắm được vì theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp này được quyền tự quyết định các dự án họ đầu tư. Vì thế họ không báo cáo qua Bộ”.

ĐB Nga tái chất vấn: "Nếu sai do luật bất cập thì có thể đề nghị bổ sung, thay đổi luật? Bộ trưởng Vinh tiếp lời: Theo luật, họ chỉ phải báo cáo chủ sở hữu vốn Nhà nước. Chúng tôi cón đến hỏi xin báo cáo họ cũng không cho bởi họ không có trách nhiệm báo cáo mới mình, nên rất khó cho chúng tôi".

Để khắc phục tình trạng này, Bộ đã đề nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, ngoài ra cũng được Thủ tướng giao sửa đổi Nghị định 132, trong đó đáng chú ý là sẽ có thay đổi về đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các tập đoàn, Tổng Cty. “Trước đây là thuộc Thủ tướng, nay về định hướng sẽ giao cho các bộ ngành trực tiếp quản lý”, ông Vinh cho biết.

Đầu tư công cho tam nông sẽ tăng gấp 2 lần trong 5 năm tới

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn về trách nhiệm của Bộ KHĐT trong việc đầu tư công bị cắt giảm khiến nhiều dự án quy hoạch bị dừng, gây lãng phí, Bộ trưởng Vinh cho rằng, trách nhiệm của Bộ trong việc này là phải sử dụng nguồn vốn ít ỏi đúng chỗ, phát huy hiệu quả tối ưu nhất. “Còn việc cắt giảm đầu tư công quá mức không phải trách nhiệm của Bộ KHĐT mà đúng ra, chúng tôi phải chịu hệ quả của chủ trương này”, ông Vinh giải thích và cho biết giải pháp khắc phục: Đang tập trung tái cơ cấu đầu tư công, bên cạnh đó, Nhà nước sẽ từng bước công khai minh bạch tổng nguồn vốn đầu tư trong từ 3 – 5 năm để các địa phương biết có kế hoạch sử dụng hợp lý, tránh đầu tư dàn trải và tránh tình trạng chạy dự án.

ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) băn khoăn về tính khả thi của việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư công cho tam nông. Bộ trưởng Vinh trấn an: Chúng tôi đã có nhiều giải pháp và cả lộ trình giải quyết những vấn đề này trong báo cáo gửi Chính phủ. “Đầu tư công trong thời gian tới vẫn tăng lên, tổng mức đầu tư tăng 2 lần trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, vấn đề là phải làm sao để tổng đầu tư xã hội vào khu vực nông thôn, nông nghiệp tăng nhiều hơn. Sắp tới sửa đổi NĐ 61 khuyến khích đầu tư của DNTN đầu tư vào khu vực nông thôn, nông nghiệp”, ông Vinh khẳng định.

Trước những lùm xùm xung quanh việc Đan Mạch tạm dừng 3 dự án ODA tài trợ cho VN (ĐB Trần Ngọc Vinh – đoàn Hải Phòng chất vấn), người đứng đầu Bộ KHĐT cho biết: Ngay khi có thông tin, chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan liên quan làm việc với 2 bộ liên quan (Khoa học - Công nghệ , Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ngày 13.6, các bộ liên quan cũng đang bắt đầu rà soát, đối chiếu lại từng dự án giữa hai bên. “Vi phạm đến đâu phải xem xét, nhưng nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh lấy lại niềm tin cho nhà tài trợ. ODA là tiền thuế của nhân dân nước sở tại hỗ trợ cho chúng ta nên chúng ta phải sử dụng nghiêm túc”, ông Vinh nói.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Vinh trước câu hỏi về việc thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trình bày: Hoạt động mua bán nợ là bình thường, được luật pháp VN quy định và nhiều nước sử dụng thành công công cụ này trong khủng hoảng.Vừa qua, một trong những giải pháp được các nhà khoa học nhất trí là nên thành lập một Cty chuyên mua bán nợ quốc gia. Thủ tướng đã giao NHNN thành lập đề án và NHNN mới hoàn thành đề án trong nội bộ đơn vị, vì thế khi nào Chính phủ thấy đề án khả thi sẽ trình ra trước QH để góp ý, xem xét.