Do vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt có mức án cao nhất nên HĐXX là 5 người, 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh (TAND TP. Hà Nội), thẩm phán thứ hai là ông Đào Vĩnh Tường – Chánh tòa hình sự (TAND TP. Hà Nội).
Viện KSND Tối cao ủy quyền cho Viện KSND TP. Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án. Hai kiểm sát viên là ông Nguyễn Chí Dũng và Trương Tuấn Hưng.
Tham gia bào chữa cho các bị cáo có 12 vị luật sư, trong đó Dương Chí Dũng có 3 luật sư bào chữa (LS Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và Trần Đức Thắng – đều thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Trao đổi với phóng viên NTNN, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Trước phiên xử, tôi thấy thông tin vợ của ông Dương Chí Dũng đã có đơn kêu oan cho chồng. Sai phạm của ông Dũng và các bị cáo thuộc tội danh nào đã được cáo trạng nêu rõ. Nó sẽ được làm rõ thêm tại phiên xử, qua diễn biến lời khai, tranh tụng tại tòa. Ông Dũng có 3 luật sư tham gia bào chữa, việc sai phạm của ông này đến đâu có lẽ cũng sẽ được 3 vị luật sư chỉ ra.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), đây là vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều số liệu, chứng cứ. Việc tham gia của nhiều luật sư là cần thiết để làm rõ bản chất vụ án, xét xử đúng người đúng tội. Tôi nghĩ tòa sẽ có bản án nghiêm khắc, xứng với tội danh mà các bị cáo phạm phải. Đây cũng là điều mong muốn của dư luận xã hội, đáp ứng chủ trương và biện pháp trong công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.