Ngư dân Nguyễn Chỗ có thâm niên 40 năm đi biển, 23 năm làm nghề câu mực. |
Đánh đu trên một chiếc thúng trong đêm giữa biển Trường Sa - điều đó thật nguy hiểm. Thế nhưng, thúng lại là ngôi nhà của các ngư dân câu mực khơi. Họ là những người vươn ra khơi xa, làm chủ biển cả.
Chở nhà ra khơi
Lên... lên! Các ngư dân đang kéo 24 chiếc thúng lên chiếc thuyền mang biển số 95203 TS của ông Nguyễn Ngọc Quý (ở xã Bình Chánh) neo ở cửa biển Sa Cần để chuẩn bị xuất bến. Thúng của ngư dân câu mực chắc nịch và to gấp rưỡi thúng của các nghề khác. Mỗi chiếc thúng sẽ chở một ngư dân. Thuyền đi 30 người, 24 người xuống thúng đi câu.
Ở tỉnh Quảng Ngãi có ba làng biển chuyên đi câu mực, đó là xã Bình Dương, Bình Đông, Bình Chánh (đều thuộc huyện Bình Sơn) với tổng cộng 125 chiếc thuyền. Ngư dân thường ví thuyền câu mực là nhà giàn bởi trên nóc thuyền luôn đội theo một chiếc lồng tre khổng lồ.
Ông Nguyễn Chỗ, 57 tuổi - ngư dân lớn tuổi nhất của thuyền 95203 TS lẳng lặng ngồi nhìn vào đất liền, nhường việc nặng nhọc cho đám trai tráng. "17 tuổi là chú đi biển, giờ chai tay, chai chân thì đã tròn 40 năm" - ông Chỗ chậm rãi kể.
Nghề biển thì phải theo biển, thế nhưng, ông Chỗ từng một lần thề thốt bỏ biển. Đó là một chuyến đi khơi bị lốc xoáy, tất cả 7 ngư dân cùng thuyền với ông chìm nghỉm theo chiếc thuyền. Ông Chỗ cởi tuột quần áo cho nhẹ người rồi cứ thế bơi hướng vào đất liền. Từ lúc trời hừng đông, ông thả trôi và bơi đến xẩm tối thì vào được bờ. Sau vụ tai nạn, nhìn nước là thấy sợ. Ông Chỗ bỏ lên Tây Nguyên trồng cà phê. Thế nhưng, một năm thì nguôi ngoai, ông lại quay về biển.
"Suốt 3 tháng ròng, cứ chiều tối là xuống thúng, mờ sáng tàu mẹ lượn đến đón. Cả đêm ở ngoài khơi thăm thẳm một mình phải không sợ chết mới làm được việc" - ông Chỗ tổng kết kinh nghiệm một đời biển cả của mình.
Câu mực khơi là một nghề nguy hiểm. Nếu gặp giông bão nhẹ thì thúng dạt, nặng thì hè nhau ném thúng xuống nước, tập trung hạ giàn trên thuyền cho đỡ cản gió. Giàn phơi mực được buộc bằng dây cước, nếu gặp bão phải dùng dao cắt phăng cho thật nhanh.
Thuyền câu mực chuẩn bị đi khơi. |
Thúng con nuôi thuyền mẹ
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Dậu kiểm lại tất cả những vật dụng đã được đưa lên tàu: 1.500 kg gạo, 25 bình gas, 500 can và 20 phi nước ngọt, 12.000 lít dầu. Khi ra tới quần đảo Trường Sa, tàu sẽ ghé vô mua thêm khoảng 3.000 lít dầu, bộ đội hỗ trợ thêm vài trăm can nước ngọt.
Rù...rù! Tiếng máy tàu có công suất lên đến 460 CV gầm lên như con ngựa sắt không lồ. Ngư dân Nguyễn Sanh không giấu chút lo lắng: "Cứ nổ máy là chủ tàu bắt đầu tính tiền, anh em tụi tui thì ai cũng thấy lo".
Nghề câu mực khơi, thực chất là mô hình hợp tác xã giúp ngư dân xóa đói giảm nghèo. Chủ tàu chỉ chịu trách nhiệm chuyên chở các ngư dân ra đến Trường Sa, còn ngư dân tự sắm giàn phơi mực và tất cả các dụng cụ liên quan đến việc câu kéo như: thúng, rổ, câu bủa, giàn phơi... Bình quân, mỗi ngư dân phải gánh 12 triệu đồng tổn phí/chuyến. Ngoài ra, chủ thuyền còn được chia phần thêm 17 - 20% trong số mực câu được.
Hiện tại, mực khô trên thị trường được mua với giá cao nhất từ trước đến nay 48.000đ/kg. Các ngư dân ước tính: Ra biển mỗi người câu đủ 3 tạ mực khô thì thở phào, vì coi như lo xong phần tổn phí.
Mỗi chuyến ra khơi, thành bại để gom đủ 250 triệu đồng tổn phí đều do những tay câu thiện chiến dưới thúng quyết định. Hai năm qua, ngư dân bán đổ bán tháo tàu bè để chuyển nghề vì giá mực rẻ. Từ đầu năm đến nay, giá mực vọt lên cao, vậy là ngư dân lại đổ xô đi biển, niềm vui khấp khởi.
Cũng là một cuộc đời, nhưng cuộc đời của ngư dân câu mực khơi đầy nỗi nhọc nhằn và kỳ lạ. Phần lớn thời gian họ sống trên đại dương. Biển đo đếm những mái đầu xanh giờ đã ngả sang bạc. Mỗi năm 8 tháng lắc lư trên thúng - thúng như ngôi nhà của dân câu mực.
Lê Văn Chương