Dân Việt

Giúp người nghèo làm hàng xuất khẩu

22/06/2010 06:18 GMT+7
(NTNN) - Gần 2 tháng nay, lớp học và sản xuất mây tre đan xuất khẩu do chị Phan Thị Tám thôn Hạnh Tây, Đại Thạnh, Đại Lộc, Quảng Nam lập đã thu hút đông đảo người nghèo tham gia.
 img
Chị Tám (trái) dạy cách đan cho những chị em mới.

Phải thoát nghèo

Sau một thời gian trăn trở tìm việc làm để giải quyết lúc nông nhàn và tăng thu nhập, chị Tám quyết định chọn nghề sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ vốn đang ngày một có giá trên thị trường trong nước và quốc tế. Chị mạnh dạn liên hệ đặt hàng với hợp tác xã Mây tre đan Điện Thọ (Điện Bàn, Quảng Nam) sản xuất giỏ đựng rác bằng mây tre. Những sản phẩm này sẽ được hợp tác xã liên kết xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Niềm hạnh phúc càng tăng thêm khi ý định của chị được bà con trong thôn nhất nhất ủng hộ.

Ngày chị “khai giảng”, có hàng chục học viên đến tham gia. Để giúp nông dân có được tay nghề cao chị Tám chạy ngược xuôi thuê giáo viên về dạy nghề. Chỉ hơn một tháng vừa học vừa làm, những sản phẩm mây tre đan đầu tiên của những người nông dân thôn Hạnh Tây đã vượt qua được sự kiểm tra gắt gao từ phía đối tác.

Điểm đến của người nghèo

Ngoài lớp học mây tre đan, chị Tám còn là người có sáng kiến lập “Quỹ góp vốn xoay vòng” (30.000 đồng/người/tháng) giúp hơn 50 phụ nữ trong thôn có vốn để chăn nuôi gà, vịt, heo; lập “CLB trẻ em nghèo vượt khó”…

Hơn 30 học viên của lớp mây tre đan đều là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. “Từ khi tham gia lớp mây tre đan tui kiếm thêm được gần một triệu rưỡi, góp thêm ít đồng mua thuốc cho chồng”- chị Nguyễn Thị Tiến Hoa, 43 tuổi, tâm sự. Được biết, gia cảnh chị Hoa thuộc diện khó khăn trong thôn, chồng bị ung thư, ba đứa con đang tuổi ăn học, mọi chi phí sinh hoạt đều trông cậy vào 3 sào ruộng.

Tiền công của bà con được tính theo sản phẩm, người thành thục, nhanh tay cũng đan được 15-20 tấm mỗi ngày (3.000 đồng/tấm), số tiền công được hợp tác xã đến trả trực tiếp cho bà con. “Có người vì ham công tiếc việc nên ăn tối xong lại chạy đến làm” - chị Tám cho biết. Những lúc như vậy chị lại tất tả chạy sang “lớp học”, vừa chỉ dẫn vừa trò chuyện tâm tình với “trò” có khi mãi tới khuya.

Lớp học cũng thu hút gần chục em học sinh. Dịp hè các em tranh thủ làm, mỗi ngày cũng kiếm được 20-25 nghìn đồng, tích cóp để chuẩn bị cho năm học mới. Ba mất từ nhỏ, mẹ lại bị sỏi thận, Trương Huỳnh Đức (học sinh lớp 7, Trường THCS Lý Thường Kiệt) vừa cặm cụi làm vừa lí nhí tâm sự: “Em sẽ làm cho đến cuối tháng rồi nhận tiền một lần để mua sách vở và quần áo, số tiền còn dư sẽ đưa mẹ mua thuốc uống cho nhanh khỏi bệnh”.

Khi được biết Chính phủ đang có chương trình hỗ trợ nông dân học nghề, chị Tám bày tỏ, đó là “con đường ngắn nhất” giúp bà con thoát nghèo. Chị cho biết: “Sở dĩ lớp học của tôi thu hút bà con nghèo là vì vừa học vừa làm nên có ngay thu nhập. Còn nếu học nghề khác, phải học bài bản, lên lớp đàng hoàng thì đúng là cần có sự hỗ trợ về ăn ở, đi lại để bà con có thể đến lớp”.