Ông Trần Anh Tuấn |
Ông có thể nêu một số bài học rút ra khi thực hiện Dự án TCNT II?
- Thành công của Dự án TCNT II đã khẳng định vai trò của BIDV là ngân hàng bán buôn để triển khai quản lý, thực hiện dự án. Dự án đã đạt được mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo tôi, đây là một trong những mô hình thực hiện Dự án ODA ưu việt nhất ở Việt Nam hiện nay. Bài học rút ra từ dự án này là: Dự án được triển khai dưới sự chỉ đạo của một Ban chỉ đạo liên ngành, chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện mục tiêu của Dự án. Dự án được triển khai theo mô hình ngân hàng bán buôn để trực tiếp quản lý nguồn vốn. Nguồn vốn Dự án được ngân hàng bán buôn là BIDV thực hiện cho các định chế tài chính là ngân hàng thương mại, Quỹ Tín dụng nhân dân vay lại.
Quá trình triển khai Dự án có sự đồng thuận cao kể cả Ban lãnh đạo của BIDV cũng như các định chế tài chính tham gia Dự án trong việc nỗ lực thực hiện mục tiêu cam kết với WB về kế hoạch phát triển thể chế hướng theo các chuẩn mực thông lệ tốt nhất.
Để triển khai Dự án, BIDV đã thành lập Ban Quản lý Dự án chuyên trách là Sở Giao dịch III. Ban Quản lý đã thực hiện Dự án một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả, thực hiện đầy đủ chức năng quản lý, cho vay và giám sát thực hiện Dự án. Với kết quả đạt được thời gian qua, tôi tin rằng việc tiếp tục triển khai Dự án Tài chính nông thôn trong thời gian tới sẽ đem lại hiệu quả, khẳng định uy tín, năng lực quản lý sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam và của BIDV đối với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế.
Thành công Dự án tác động như thế nào đối với việc thu hút ODA của Việt Nam?
- Năm 2008, số vốn ODA các nhà tài trợ quốc tế cam kết cho VN vay 5,8 tỷ USD, năm 2010 là 8,2 tỷ USD. Điều này thể hiện là sự tin tưởng của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đối với việc quản lý sử dụng vốn ODA của Chính phủ Việt Nam. Những thành công Dự án Tài chính nông thôn II là minh chứng cụ thể cho việc sử dụng khai thác quản lý tốt nguồn vốn thông qua ngân hàng bán buôn. Điều này tiếp tục khẳng định với các nhà tài trợ quốc tế là Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai tốt các dự án kể cả Dự án Tài chính nông thôn cũng như các nguồn vốn ODA khác.
Dự án Tài chính nông thôn II đã góp phần tạo việc làm cho người lao động và chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. |
BIDV áp dụng những chuẩn mực nào để đạt được yêu cầu mà Dự án đã đề ra?
- Mục tiêu Dự án là chuyển nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Số vốn của WB là 200 triệu USD, thực tế quá trình quay vòng đã tăng lên đến 870 triệu USD. Thông qua đầu tư khu vực nông thôn vừa tạo việc làm cho người lao động, vừa tạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Mục tiêu của các định chế tài chính cũng như ngân hàng bán buôn là BIDV phải thực hiện các mục tiêu cam kết của WB là phấn đấu đạt được chỉ số theo thông lệ như: Chỉ số an toàn vốn, chỉ số hiệu quả kinh doanh, chất lượng cũng như tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Theo ông, Dự án đã thành công ở những điểm cụ thể nào?
- Dự án Tài chính nông thôn II đã đạt được thành công như mong muốn của Chính phủ Việt Nam và WB. Trong đó, nổi bật là thực hiện đúng mục tiêu là chuyển tải nguồn vốn vào đúng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực thể chế đối với các định chế tài chính. Ví dụ như khi tham gia Dự án giai đoạn I, II thì chất lượng hiệu quả hoạt động BIDV được cải thiện. Chỉ tiêu về chất lượng, hiệu quả của 25 định chế tài chính tham gia Dự án đều được nâng cao.
Với tư cách là người điều hành ngân hàng bán buôn, ông có mong muốn gì khi thực hiện các Dự án Tài chính nông thôn tiếp theo?
- Qua quản lý triển khai Dự án 1, 2 và tiếp tục Dự án 3 thì không chỉ đối với nguồn vốn của Dự án tài chính nông thôn mà kể cả các các nguồn vốn ODA khác cũng cần nghiên cứu phương thức quản lý. Nếu áp dụng thực hiện mô hình quản lý như của Dự án Tài chính nông thôn thì hiệu quả khai thác sử dụng nguồn vốn sẽ tốt hơn.
Được biết, gần đây BIDV đã chọn cả Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tham gia. Ông có thể nêu lý do về sự chọn lựa này?
- Việc xem xét lựa chọn các định chế tài chính đều có các tiêu chí. Chính sách này do BIDV xây dựng được Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định và WB chấp thuận. Nó phải đạt được mục tiêu mà Dự án đề ra. Việc mở rộng để các Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở tham gia chủ yếu là để có thể chuyển tải cấu phần tín dụng vi mô đến được với người nghèo ở khu vực nông thôn. WB đề nghị có thêm các tổ chức hiệp hội khác có hoạt động tín dụng tham gia giải ngân nguồn vốn này như các tổ chức của Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Hội Nông dân… Tuy nhiên, hiện tại những tổ chức này chưa hoàn thành việc chuyển đổi theo quy chế hoạt động của một tổ chức tài chính quy mô nhỏ quy định tại Nghị định 28 của Chính phủ. Chúng tôi muốn quy định rõ về loại hình tổ chức này để có cơ sở lựa chọn tham gia giải ngân nguồn vốn Dự án.
Xin cảm ơn ông.
Mục tiêu tổng thể của các Dự án là hỗ trợ Việt Nam tăng cường phát triển kinh tế nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống của người dân ở khu vực nông thôn thông qua các hoạt động, tăng cường năng lực của hệ thống ngân hàng để phục vụ tốt hơn cho kinh tế nông thôn; và tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo nông thôn đến các dịch vụ tài chính.
P.V (thực hiện)