Bà Thắng kiểm tra gà. |
Sự thay đổi này có đóng góp không nhỏ của Dự án Tài chính nông thôn II, do WB tài trợ cho Chính phủ Việt Nam và BIDV làm đầu mối thực hiện chức năng bán buôn.
Xưởng sản xuất đồ mộc nhỏ bé của vợ chồng anh Nguyễn Văn Nhiệm đã phát triển nhanh khi anh tiếp cận được nguồn vốn Dự án Tài chính nông thôn II qua Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở. Lần đầu tiên, anh đã vay được 20 triệu đồng. Với số vốn ấy, vợ chồng anh mua gỗ, thuê thêm thợ để mở rộng quy mô sản xuất. Có sản phẩm, anh đi Hải Phòng, Hà Nội để chào hàng và tìm kiếm đơn hàng mới. Đồng vốn được cung ứng đúng thời điểm đã nhanh chóng sinh lợi nhuận.
Vợ chồng anh Nhiệm đã trả gốc lãi đúng hạn và tiếp tục được cho vay với số vốn lớn hơn. Tới nay, anh Nhiệm đã vay từ Dự án hơn 200 triệu đồng. Xưởng sản xuất của anh đã được mở rộng thành cơ sở sản xuất quy mô lớn, tạo việc làm thường xuyên cho 20 thợ và hàng chục lao động thời vụ.
Không chỉ các hộ sản xuất hàng thủ công được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, những hộ sản xuất nông nghiệp đơn thuần cũng được tạo điều kiện để vay vốn sản xuất hàng hoá. Bà Nguyễn Thị Thắng ở thôn Thọ Vuông là một điển hình làm giàu từ sản xuất nông nghiệp nhờ nguồn vốn Tài chính nông thôn II ở xã Đông Thọ.
Năm 2003, bà được vay 30 triệu đồng từ Dự án Tài chính nông thôn II thông qua chi hội VAC của xã. Với 30 triệu đồng vay được, bà mua máy ấp trứng gà vịt. Hiện nay, trại gà của bà mỗi ngày cũng gấp gần 5.000 trứng gà vịt và mỗi tháng xuất cho các địa phương gần 4 vạn gà con. Trang trại của bà cũng đã thu hút được hàng chục lao động địa phương vào làm việc.
Bà Thắng cho biết: Tôi trực tiếp đứng ra làm tổ trưởng tổ vay vốn của thôn và hỗ trợ các thành viên trong tổ làm ăn. Hộ nào khó khăn tôi bán chịu con giống, đồng thời bao tiêu sản phẩm. Hộ nào khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi tôi cũng hỗ trợ để làm ăn hiệu quả. Dư nợ cho vay của tổ vay vốn VAC hiện lên tới gần 1 tỷ đồng".
Thế Đình