Người nông dân đang đi nhặt, vớt tôm chết do cúp điện. |
Từ lỗ đến sạt nghiệp
Việc cúp điện liên tục ở Quảng Trạch (Quảng Bình), có khi tới 3 ngày liền, đã đẩy khu nuôi tôm công nghiệp Phúc Thuận rộng 36ha vào chỗ khốn đốn. Đã có 7 ao tôm (49.000m2) bị mất trắng do điện cúp không chạy máy sục khí được. Tôm thiếu oxy chết, nông dân thiệt hại 700 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Sơn (xã Quảng Thuận) có 3 ao tôm bị chết, nghẹn ngào: “Chưa chạy kịp tiền để mua máy nổ, mua dầu để thay điện thì tôm đã chết trắng ao rồi. Tui vay ngân hàng gần 100 triệu đồng, giờ trắng tay, lại còn ôm cục nợ”.
Những nông dân khác không muốn sạt nghiệp vì điện đã chạy đôn chạy đáo vay tiền mua máy nổ, chấp nhận chi phí tăng cao. Ông Trần Xuân Niệm (xã Quảng Thuận) tính toán: Tôi đã tốn trên 70 triệu đồng mua dầu (14.000 đồng/lít) để chạy máy sục khí cho 2ha tôm. Tính ra, do cúp điện, chi phí bỏ ra nuôi tôm của gia đình tôi vụ này đội lên 5 lần so với vụ trước. Tôm phải trúng lắm mới huề vốn, nếu không là lỗ.
Tình trạng này cũng đang xảy ra với cả trăm ha ao tôm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Anh Nguyễn Thụ ở xã Phong Hải (Phong Điền), người vừa trắng tay vì tôm chết do không kịp mua máy, mua dầu thay điện, bức xúc: Điện cho nuôi tôm là điện sản xuất nhưng không hiểu sao lại bị cắt cắt liên tục? Vì điện không ổn định, chúng tôi bị thiệt hại cả tỷ đồng do tôm chết, ai chịu trách nhiệm đây?
Ở tỉnh Khánh Hòa, nông dân vì sợ cảnh cúp điện nên ai cũng lo thu hoạch tôm trước bất kể non hay già. Do tôm non nhỏ nên tư thương chê, chỉ mua 20.000 - 30.000 đồng/kg, ai cũng lỗ. Ông Vũ Đình Sơn (thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, Nha Trang) cho biết, vụ này ông nuôi 7 ao, đã có 4 ao tôm phải thu non, chấp nhận lỗ ít. Những ao để lại tôm chết đỏ mặt nước. Mỗi ngày ông cho công nhân đi vớt cả tạ tôm chết lên vứt, gà vịt cũng ngán ăn.
Nhà nông van xin “nhà đèn”
Nhiều hộ nuôi tôm ở Phúc Thuận đã lên gặp Chi nhánh điện Quảng Trạch (Công ty Điện lực Quảng Bình) xin không cúp điện ở khu nuôi tôm. Bà con vật nài tha thiết: “Cứ cúp điện ở nhà, cực mấy chúng tôi cũng chịu được, xin đừng cúp điện hồ tôm, tất cả tài sản, vốn liếng chúng tôi đều nằm đó hết, sơ sẩy là chúng tôi trắng tay”. Tuy nhiên chẳng ai nghe lời cầu xin này.
Không cầu cứu ông “nhà đèn” được, dân “kêu” chính quyền. Tuy nhiên chính quyền cũng “bó tay”. Ông Nguyễn Thanh Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch - bất lực: Việc cúp điện là của ngành điện, họ lấy lý do nắng hạn kéo dài, nguồn điện bị thiếu hụt nghiêm trọng, cúp điện là không tránh khỏi..., nên huyện cũng không can thiệp được.
Ở Thừa Thiên - Huế hay Khánh Hòa cũng vậy, nông dân “kêu” lên chính quyền địa phương, cấp này lại kiến nghị lên cấp trên hoặc kiến nghị trực tiếp đến ngành điện, thế nhưng đi đâu cũng vậy thôi, điện vẫn cắt, tôm vẫn chết...
Phan Phương - An Sơn - Mai Khuê