Dân Việt

Chuyện tình người sau chiến tranh

22/06/2010 18:34 GMT+7
(NTNN) - Tình cờ trên một chuyến xe, tôi quen anh Đào Thanh Dũng. Biết tôi là bộ đội, lại ở miền Trung, anh nói: “Gia đình tôi rất biết ơn các anh bộ đội An Nhơn, Bình Định...”. Qua anh, tôi biết thêm một câu chuyện thật cảm động, ấm áp tình người.
img
Hai anh em anh Đào Thanh Hùng (thứ nhất và thứ 3 từ phải sang) cùng các cán bộ Huyện đội An Nhơn năm 1995.

Anh Dũng kể, anh ở Phú Mỹ 2, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, làm nghề “gõ đầu trẻ”, nhưng trước đây anh làm việc ở Phòng Giáo dục huyện Nhơn Trạch. Nhà anh có 6 anh em ruột hiện đều làm giáo viên. Nếu anh Đào Việt Ánh - anh trai đầu của anh, thời chiến tranh không bị bắt đi quân dịch chắc cũng làm thầy giáo, vì đó là nghề trước đây anh ấy hằng ao ước.

Anh Ánh tính nhỏ nhẹ, lành như đất, suốt ngày chỉ biết học và học rất giỏi. Nhưng rồi anh bị chế độ Sài Gòn bắt quân dịch, đưa ra tận Bồng Sơn, Bình Định. Mấy tháng sau nghe tin Ánh bị thương, mẹ anh ra thăm, lo lót tiền bạc để anh được giải ngũ về nhà.

Nhưng có lẽ thấy chưa đủ, bọn chỉ huy không chịu, chuyển anh vào diện sức khỏe loại 2 và vẫn phải ra chiến trường. Không bao lâu sau thì gia đình nhận được tin anh tử trận ở An Nhơn. Mẹ lại tức tốc mua vé máy bay ra miền Trung tìm xác anh. Đến nơi thì các huyện đã hoàn toàn giải phóng, chỉ còn thị xã Quy Nhơn đang rục rịch giải phóng. Bơ vơ giữa đất khách, mẹ vô vọng không biết tìm con nơi đâu, thất thểu bắt xe trở về.

Suốt 20 năm gia đình thương nhớ anh Ánh, chỉ mong đưa được hài cốt anh về cùng cha và dòng họ, dù ai cũng bảo đó là điều không thể. Vậy mà thật may mắn, tháng 8 - 1995, gia đình anh nhận được một lá thư từ anh Đặng Văn Sáu ở Cơ quan quân sự huyện An Nhơn, Bình Định. Trong thư báo rằng trong quá trình cất bốc mộ liệt sĩ có phát hiện mộ của anh Ánh cùng một số giấy tờ.

Cả nhà mừng không thể tả, hàng xóm cũng kéo đến hỏi thăm rất đông. Lúc ấy gia đình anh đã cử em rể Phạm Duy Thái và em trai Đào Thanh Hùng ra An Nhơn. Được anh Sáu, anh Thắng và các anh ở Huyện đội giúp đỡ tận tình, tạo điều kiện xe cộ đi lại cất bốc, vài ngày sau, hài cốt anh Ánh đã được đưa về nhà cùng tất cả các giấy tờ, tư trang, trong đó có cả chiếc dây chuyền vàng 1,8 chỉ anh luôn giữ bên mình.

Thì ra, lâu nay nấm mộ nhỏ trên bờ ruộng mà người dân xã Nhơn An nghĩ là mộ liệt sĩ và chỉ cho bộ đội chính là mộ anh Ánh. Tuy không phải là đối tượng quy tập nhưng Huyện đội An Nhơn đã cất bốc anh Ánh vào hòm quách rất chu đáo và đưa lên chôn nơi cao ráo cách đó gần 1 km.

Sở dĩ các anh ở Huyện đội An Nhơn tìm được gia đình cho anh vì giấy tờ anh Ánh mang theo vẫn còn nguyên vẹn. “Việc làm giàu lòng nhân ái của các anh bộ đội Cụ Hồ ở Huyện đội An Nhơn mang đến cho chúng tôi niềm tin yêu vào con người và cuộc sống. Chúng tôi đã truyền niềm tin ấy vào nhiều thế hệ học sinh mà chúng tôi giảng dạy" - anh Dũng tâm sự.

Anh Dũng chậm rãi lấy trong ví ra một bức thư đánh máy của Huyện đội An Nhơn đã ngả màu cùng bức ảnh chụp 4 người đàn ông mặc thường phục và giới thiệu đây là tấm hình chụp chung hai anh em anh và anh Sáu, cùng người lái xe của Huyện đội năm 1995.

Anh nói rằng lâu nay anh luôn giữ trong người như giữ gìn kỷ vật quý giá nhất của gia đình. Tôi thông báo với anh Dũng rằng, anh Sáu - trợ lý chính sách, người trong bức ảnh đã mất, cậu lái xe hết nghĩa vụ quân sự cũng đã ra quân nhưng sẽ chuyển câu chuyện và tấm lòng của gia đình anh đến Huyện đội An Nhơn.