Với mong muốn chiếm lĩnh lại vị thế của nghệ thuật chèo trước sự lấn lướt của một số nghệ thuật phương Tây mới du nhập vào Việt Nam, như kịch nói, tân nhạc, hội hoạ..., vào cuối năm 1951, đầu năm 1952, nhà văn Tam Lang cùng một số nhân sĩ đã lập ra Hội Chấn hưng Ca vũ nhạc kịch cổ điển với tên gọi Rạp Lạc Việt, tiền thân của Nhà hát Chèo Hà Nội hiện tại.
Cảnh trong vở “Quan lớn về làng” của Nhà hát Chèo Hà Nội. |
Các tác giả như nhà thơ Trần Huyền Trân, giáo sư Hà Văn Cầu, họa sĩ Nguyễn Đình Hàm, nhà văn Lưu Quang Thuận, nhà viết kịch Lộng Chương… đã đem hết tài năng và tinh hoa chiu chắt suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình dựng lại “diện mạo” những lớp diễn, những mảnh trò đặc sắc trong những vở cổ truyền, như “Trương Viên”, “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Kim Nham”.
Các vở diễn này đã tạo nên những nghệ sĩ, thế hệ vàng của làng chèo Việt Nam như: Thanh Trầm, Văn Chính, Mai Hoa, Xuân Quân, Tuyết Nga, Bạch Tuyết, NSND Hoa Tâm, Quốc Chiêm, Quốc Anh...
Sau này đến những vở như: “Người con gái trở về”, “Nàng Sita” (tác giả Lưu Quang Vũ; đạo diễn Doãn Hoàng Giang) đã như một luồng gió mới thổi vào đời sống công chúng thủ đô, mau chóng chiếm được tình cảm của nhiều tầng lớp khán giả Hà Nội. Có lẽ chưa bao giờ chèo sân khấu Hà Nội lại “tưng bừng” đến thế. Lịch diễn của Đoàn Chèo Hà Nội dày đặc, nhiều hôm, đoàn phải diễn đến mấy suất một ngày.
60 năm chưa phải là dài, nhưng đủ để chiêm nghiệm về chặng đường đã qua của nhà hát. Với con số 120 vở diễn (tính từ những năm 60), nhiều vở thành công rực rỡ, nhà hát vẫn đang tiếp tục thể nghiệm hướng đi mới trong việc dàn dựng những vở chèo đề tài hiện đại.
NSƯT Quốc Anh
Nghệ sĩ Quốc Anh – Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội tâm sự, kỷ niệm đáng nhớ nhất vào những năm đầu thập niên 1980 đó là khi anh chứng kiến sự bùng nổ của nhà hát với ngày 3 suất diễn của vở chèo “Nàng Sita”. “Mặc dù vở “Nàng Sita” là vở cải biên chứ không thuần túy theo lối chèo cổ, nhưng khán giả đã cảm nhận được cái hồn cốt của chèo trong đó, tôi thấy hay lắm, đã lắm. Tôi còn nhớ, khi đi mua vé xem vở “Nàng Sita” phải mất hàng tuần và phải mang hộ khẩu mới có thể mua được vé”.
Nghệ sĩ Quốc Anh cho rằng, bây giờ sự hấp dẫn khán giả đối với Nhà hát Chèo Hà Nội cũng như trên sân khấu nói chung là một vấn đề nan giải cho nghệ thuật dân tộc. Để khắc phục điều này, Nhà hát đã có sự nhìn xa 5 đến 10 năm tới. Nhà hát đang tiến hành một chương trình chuyên diễn cho thiếu nhi, dành cho các cháu từ mẫu giáo cho đến cấp I, cấp II. “Nhà hát đang cố gắng bằng những vở thiếu nhi kéo khán giả trẻ đến gần hơn với sân khấu chèo để làm sao nuôi dưỡng tâm hồn chèo trong các em”- nghệ sĩ Quốc Anh cho biết.
Thanh Hà