Nông dân Mỹ Hào đang mong được học nghề để chuyển đổi sản xuất. |
Huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) là vùng mất hàng trăm ha đất nông nghiệp vì chuyển đổi sang làm khu công nghiệp hoặc dịch vụ. Cho tới giờ, hoạt động triển khai Quyết định 1956 vẫn giậm chân tại chỗ. Ông Nguyễn Hữu Yên - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỹ Hào cho biết: "Vì không thấy huyện động tĩnh gì về việc điều tra nhu cầu, tổ chức lớp học cho nông dân nên cách đây 1 tháng tôi đã sang phòng LĐ-TB&XH huyện hỏi thì họ nói có kinh phí nhưng chưa có hướng dẫn…".
Cũng theo ông Yên, ngoài nguyên nhân "chưa có hướng dẫn" thì việc tuyên truyền của Hội cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa điều tra nhu cầu, chưa mở lớp nên không thể nói suông với nông dân. Hơn nữa, lực lượng tuyên truyền tại cơ sở cũng chưa có trong khi lực lượng cán bộ Hội ở huyện quá mỏng (chỉ có 4 người), không đủ sức tiến hành tuyên truyền vận động đến nhân dân.
Trong khi đó, người dân huyện Mỹ Hào đang mong từng ngày chính sách đi vào cuộc sống. Bà Hồ Thị Thái (tổ 5, thị trấn Mỹ Hào) nói: "Từ khi không còn ruộng nhiều người trong xã phải chuyển sang đi nhặt nhựa thuê. Ngày nào đi làm mới có tiền ăn ngày đó nên cuộc sống rất bấp bênh".
Qua tìm hiểu của NTNN, các công ty ở Hưng Yên và các tỉnh lân cận tuyển lao động thường nhắm đến những lao động trẻ, từ 18 - 25 tuổi. Như vậy một vấn đề được đặt ra, những người quá tuổi tuyển dụng của các công ty, nhà máy trong khu vực sẽ làm gì để sống khi không còn ruộng để sản xuất?
Anh Nguyễn Văn Dũng (xã Ngọc Lâm) nói: "Nếu nhà nước tổ chức học nghề, tôi sẽ đăng ký đầu tiên, học nghề mộc, hàn để làm tại nhà. Nhưng sao ở đây không thấy ai nói gì đến chuyện này".
Hoà Bình