Ông có thể cho biết một số kết quả về xây dựng nông thôn mới (NTM) của thủ đô sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội?
- Tính đến thời điểm này, 195 xã của Hà Nội đã có quyết định phê duyệt quy hoạch, 19 huyện, thị đã lập xong đề án xây dựng NTM (đạt 100%). Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, 401 xã sẽ hoàn thành quy hoạch, đạt 100% tổng số xã trên toàn thành phố. Đối với 19 xã điểm, đến nay đã có 13 xã đạt từ 14- 18 tiêu chí, 6 xã đạt từ 12-13 tiêu chí.
Chuyển đổi cơ cấu, tăng thu nhập là những tiêu chí khó đạt trong xây dựng NTM ở Hà Nội. |
Trên thực tế, các xã điểm chủ yếu đạt các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, những tiêu chí khó như chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng thu nhập… hầu như chưa đạt, ông nghĩ gì về điều này?
- Cũng có một số xã đã đạt được tiêu chí thu nhập hay bước đầu tiệm cận tiêu chí về chuyển đổi cơ cấu lao động như Tây Tựu (Từ Liêm), Yên Sở (Thanh Trì), tuy nhiên đây chủ yếu là những địa phương có nền sản xuất nông nghiệp đặc thù, thu nhập cao. Riêng các tiêu chí về xây dựng cơ bản như điện, đường, trường, trạm… dễ thực hiện hơn nên các tiêu chí này được các địa phương ưu tiên.
Tôi nghĩ, việc xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng như xây dựng “đường ray” để “con tàu NTM” vận hành, tăng tốc, về đích. Vì thế, không thể coi nhẹ các tiêu chí này. Điều quan trọng là các địa phương cần vận hành linh hoạt các công trình xây dựng cơ bản có thể phục vụ tối đa cho sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề khác. Từ đó, tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu lao động, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Hiện nay, ở một số xã điểm xây dựng NTM của thành phố đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn để có thể hoàn thành mục tiêu đến cuối năm nay sẽ đạt đủ 19 tiêu chí. Vậy Hà Nội sẽ làm gì để huy động các nguồn lực cho NTM?
- Nguồn lực thực hiện xây dựng NTM chủ yếu vẫn dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp ở các xã còn rất hạn chế, chưa đa dạng. Trong khi đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn cả về trình tự thủ tục hành chính. Hơn nữa, thời điểm này do thị trường bất động sản đang “đóng băng”, việc đấu giá sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các xã khó cân đối được nguồn vốn.
Như vậy có nghĩa là, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2012, 19 xã thí điểm xây dựng NTM của thành phố khó đạt được?
- Cuối năm, thành phố sẽ tiến hành tổng kết đánh giá việc xây dựng NTM ở 19 xã điểm và sẽ rút kinh nghiệm để triển khai mở rộng. Xây dựng NTM không thể tiến hành trong một sớm một chiều. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khó hoàn thành kế hoạch 100% xã điểm đạt đủ 19 tiêu chí mà phấn đấu chỉ khoảng 3-4 xã đạt. Quan trọng là sau khi tổng kết, chúng tôi sẽ rút ra bài học kinh nghiệm từ công tác tổ chức triển khai, thực hiện.
Ông Lê Thiết Cương
Trước những khó khăn thách thức, sắp tới Hà Nội sẽ có những bước đi như thế nào để có thể xây dựng NTM hiện đại, văn minh và bền vững, thưa ông?
- Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng Dự thảo Quy chế công nhận xã NTM. Chúng tôi cũng đã đề xuất Bộ NNPTNT sớm xây dựng bộ quy chế này. Trước mắt, trong khi nguồn vốn còn hạn chế, chúng tôi chỉ đạo các địa phương cần quan tâm triển khai các dự án không cần nhiều kinh phí như: Dồn điền đổi thửa, xây dựng làng văn hóa, thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, bảo vệ môi trường… Đặc biệt, chúng tôi đang quan tâm đến việc xây dựng NTM đảm bảo các tiêu chí có tính bền vững cao, như từ xây dựng đến vận hành, bảo trì các công trình xây dựng cơ bản điện, đường, trường, trạm… Vì thực tiễn chứng minh, việc xây dựng NTM đã khó nhưng giữ gìn NTM còn khó khăn gấp bội.
Xin cảm ơn ông!
Hữu Thông (thực hiện)