Dân Việt

Khơi dậy sức sáng tạo của nông dân

10/09/2010 06:06 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm nay, 10-9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ trao giải thưởng cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” lần thứ III.
img
Phó Chủ tịch Hội NDVN Hà Phúc Mịch (phải) kiểm tra giải pháp kỹ thuật dự thi ở Bến Tre.

Tiến sĩ khoa học Hà Phúc Mịch - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi cho biết, Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ III được phát động từ năm 2008, triển khai từ cấp T.Ư đến cơ sở Hội. Sau một năm triển khai, đã có hàng trăm giải pháp sáng tạo kỹ thuật của ND gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, thành Hội. Các tỉnh, thành đã xét và chọn được 49 giải pháp xuất sắc nhất dự thi toàn quốc.

Hội đồng giám khảo cuộc thi gồm các chuyên gia đến từ Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, các Viện Nghiên cứu nông nghiệp, các trường đại học, Hội KHKT chuyên ngành đã bình xét 14 giải pháp sáng tạo xuất sắc.

Điểm nổi bật của các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong cuộc thi lần này là gì, thưa Phó Chủ tịch?

- So với 2 cuộc thi trước, các giải pháp sáng tạo kỹ thuật của cuộc thi lần này phong phú, đa dạng hơn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, công nghệ sinh học, cơ khí nông nghiệp, chế biến nông sản, bảo vệ môi trường…

Các giải pháp dự thi đều xuất phát từ những đòi hỏi từ thực tiễn nhằm giảm bớt nỗi nhọc nhằn, vất vả của nhà nông, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, góp phần phát triển sản xuất hàng hoá. Tính ứng dụng của các giải pháp rất cao. Ví dụ, máy bắt muỗi của ông Trần Văn Lía (Ninh Hoà, Khánh Hoà) có thể bắt 2 lạng muỗi/tối.

Sản phẩm dự thi bao gồm các giải pháp sáng tạo kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống, kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng ở nông thôn. Tiêu chuẩn đánh giá giải pháp dự thi: Mới so với trình độ kỹ thuật ở VN, không trùng với giải pháp đã được công bố trong các nguồn thông tin hoặc đã được áp dụng ở VN trước ngày nộp hồ sơ; hiệu quả kinh tế - xã hội, khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện của VN.

Công cụ gieo sạ hàng GH09 do ông Nguyễn Đức Thành (Tân Yên, Bắc Giang) cải tiến đã phổ biến, ứng dụng trên đồng ruộng của nhiều tỉnh, thành phía Bắc... Một số giải pháp có sự sáng tạo rất cao, nếu tiếp tục được hỗ trợ hoàn thiện thì tính ứng dụng càng được mở rộng.

Nhiều sáng chế của ND đã được đưa vào sản xuất, cuộc sống, tuy nhiên họ rất lúng túng trong việc đăng ký thương hiệu, bản quyền. Không ít ND có ý tưởng hay, nhưng không có kinh phí để biến ý tưởng thành hiện thực. Hội NDVN có cách gì để giúp họ?

- Qua 3 cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” của T.Ư Hội NDVN, nhiều giải pháp kỹ thuật đã trở thành quy trình sản xuất tiên tiến, ứng dụng rộng rãi trong đời sống, sản xuất. Tuy nhiên, việc đăng ký bản quyền sáng chế, cải tiến kỹ thuật hiện rất khó khăn bởi ND chưa hiểu về các quy định, thủ tục đăng ký bản quyền.

Mặt khác, năng lực của Hội ND cấp huyện, tỉnh trong lĩnh vực này còn hạn chế. Để giúp ND, T.Ư Hội NDVN cùng với Bộ KH&CN đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng chương trình tập huấn quy trình, cách thức đăng ký bản quyền sáng chế, cải tiến kỹ thuật cho cán bộ Hội ND các tỉnh, thành để họ hướng dẫn ND thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật dành cho ND. Quan điểm của Phó Chủ tịch về vấn đề này?

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng khoa học của T.Ư Hội NDVN, tôi hoàn toàn tán thành với ý tưởng thành lập quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật dành cho ND. Theo Quyết định 117/2005/QĐ-TTg ngày 27-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, thì việc ra đời Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật dành cho ND là có căn cứ pháp lý và có tính khả thi.

Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” hiện chỉ mới hỗ trợ khi ND đã hoàn thiện giải pháp. Nếu được thành lập, quỹ sẽ vào cuộc ngay từ khi ND có ý tưởng sáng tạo, cải tiến kỹ thuật và trong quá trình hoàn thiện giải pháp...

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!