Cụ thể, ở TP. Thượng Hải có 10 ca nhiễm cúm A/H7N9, tỉnh Giang Tô có 6 ca, ở An Huy 2 ca, Châu Giang 3 ca. Đáng lưu ý, virus đã được tìm thấy ở một số chợ bán gia cầm sống tại Trung Quốc, cụ thể trên vịt và bồ câu, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng tiếp xúc với gia cầm này.
Theo tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H7N9 đều bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở. Tuy nhiên, thông tin về các bệnh mà virus H7N9 có thể gây ra vẫn còn hạn chế.
Nghiên cứu vaccin H7N9 tại Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh, Trung Quốc. |
GS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đánh giá, cúm A/H7N9 lây nhiễm sang người và gây tử vong với tỷ lệ khá lớn tại Trung Quốc là một điều đáng lo ngại đối với nước láng giềng như Việt Nam. Để đánh giá được độc tính của virus H7N9 còn cần thêm nhiều nghiên cứu, xét nghiệm, nhưng cần phải cảnh báo sự biến chủng của virus cúm gia cầm đang lây lan một cách đáng ngại.
Theo cảnh báo từ WHO, virus cúm A/H7N9 không thể truyền nhiễm qua đường ăn uống và thực phẩm nấu chín nên người tiêu dùng vẫn có thể sử dụng thịt gia cầm nấu chín ở nhiệt độ cao. Hiện cũng chưa có vaccin để phòng chống cúm H7N9 nên cách phòng ngừa tốt nhất vẫn tùy thuộc vào cách ứng xử của người dân. “Cách phòng tránh tốt nhất là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với những trường hợp bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính.
Đồng thời người dân nên vệ sinh nhà cửa, nâng cao thể trạng và tránh tiếp xúc người bị viêm đường hô hấp, nếu có thì nên đeo khẩu trang. Những người có biểu hiện sốt, ho, khó thở mà không rõ nguyên nhân thì người dân nên cho các trường hợp này đến viện sớm để được chẩn đoán, phát hiện sớm và được điều trị kịp thời” – TS Hiển cho biết.
Ngày 9.4, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đi kiểm tra công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM, công tác sẵn sàng điều trị cúm H5N1 và H7N9 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Diệu Linh