Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh, trong năm 2012 và đầu năm 2013, toàn huyện có 810ha cây hồ tiêu thì đã có đến 690ha bị nhiễm các loại bệnh: Thối gốc, tuyến trùng rễ, đốm lá, thán thư, vàng lá chết nhanh, vàng lá chết chậm...
Những loại bệnh này làm cho diện tích cây tiêu trên địa bàn toàn huyện giảm mạnh và đến thời điểm hiện tại đã có trên 30% số diện tích hồ tiêu bị bệnh và chết. Trong đó, bệnh thối gốc phát triển trên 200ha, bệnh tuyến trùng rễ 210ha, bệnh đốm lá 140ha, bệnh thán thư 140ha... Dự báo, trong thời gian tới nhiều ha cây hồ tiêu còn tiếp tục nhiễm bệnh và chết.
Vườn tiêu của gia đình ông Nga sắp vào vụ thu hoạch nhưng lại bị dịch bệnh tấn công làm khô héo hàng loạt. |
Cây tiêu được xem là loại cây trồng chủ đạo của người dân huyện Vĩnh Linh, là nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Việc cây tiêu bị bệnh, chết khiến nhiều gia đình lao đao. 2,5 sào tiêu của chị Bùi Thị Bình (thôn Liên Công Tây, xã Vĩnh Thành) bị bệnh vàng lá chết nhanh, thối rễ... tấn công làm cho các gốc tiêu dần dần khô héo và chết rụi. “Cả nhà tui chỉ dựa vào vườn tiêu này để sinh sống qua ngày, nhưng giờ vườn tiêu bị bệnh chết hết, chắc cả nhà phải đi xin ăn thôi” - chị Bình ngán ngẩm nói.
Tình cảnh của gia đình ông Lê Quang Nga (xã Vĩnh Thành) cũng tương tự. Với 3 sào tiêu khoảng 350 gốc, gia đình ông Nga mỗi năm thu được từ 5-6 tạ tiêu hạt, bán ra được 80-100 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, dịch bệnh bùng phát nên vườn tiêu của ông chỉ còn vài chục gốc. “Sau khi nghe các cấp khuyến cáo về các loại bệnh trên cây tiêu, gia đình tui đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để phun thuốc xử lý cũng như vệ sinh vườn tiêu, nhưng dịch bệnh vẫn thâm nhập làm cho vườn tiêu chết hết...” - ông Nga buồn rầu cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, có cả trăm hộ trồng tiêu ở Vĩnh Linh đang cay đắng vì tiêu, nhiều gia đình lâm vào nợ nần vì vay mượn để trồng, bây giờ tiêu chết, vốn liếng không còn...
Vĩnh Định