Dân Việt

Ráo riết triển khai chặn virus H7N9

10/04/2013 14:04 GMT+7
(Dân Việt) - Trước tình trạng cúm H7N9 có nguy cơ lan từ Trung Quốc vào Việt Nam qua các đường biên giới, các địa phương - đặc biệt các tỉnh vùng biên đang ra sức sức ngăn chặn.

Từ đầu năm đến nay chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã xử lý 58 vụ vận chuyển gia cầm nhập lậu, tiêu hủy trên 15 tấn gà thải loại, hơn 75.500 con gà giống... Nguy cơ gà lậu mang virus H7N9 tại các huyện giáp ranh với biên giới Trung Quốc rất dễ xảy ra.

Để ngăn chặn, ông Hoàng Ngọc Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết: Trung tâm đã phối hợp làm việc với Trung tâm Kiểm dịch y tế cửa khẩu Trung Quốc về phương án phối hợp chống dịch. Theo đó, phía Trung Quốc sẽ thông báo cho Việt Nam hồ sơ đầy đủ thông tin của từng du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Ngoài việc áp dụng kê khai sức khỏe thật chi tiết đối với du khách, trung tâm còn phun thuốc khử trùng tất cả các phương tiện từ vùng dịch vào Việt Nam. Đối với những trường hợp máy đo thân nhiệt phát hiện biểu hiện nghi vấn nhiễm bệnh sẽ được cách ly ngay, đồng thời phối hợp đưa du khách trở về.

Tại Lào Cai, cửa khẩu Quốc tế số 2 Kim Thành được đánh giá là “lối virus dễ xâm nhập nhất” bởi lẽ nơi đây là nơi mỗi ngày có hàng trăm xe chở hàng hóa qua lại. Việc khử trùng ngăn chặn virus lây bám ngoài thân các phương tiện giao thông đã được thực hiện nhờ kịp thời lắp đặt một máy phun khử trùng tự động. Không quá 30 giây, một xe tải có thể đi qua mà vẫn đảm bảo khử trùng toàn bộ bên ngoài thành xe. Còn ở khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai liên tục có 2 cán bộ y tế theo dõi qua máy đo thân nhiệt.

Sở Y tế TP. Đà Nẵng cũng đã yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tập trung công tác giám sát, kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo nhiệt độ từ xa đối với tất cả hành khách nhập cảnh qua các sân bay, cảng biển.

Lập các điểm tiếp nhận bệnh nhân

Trung Quốc thêm 1 người tử vong

Ngày 9.4, Trung Quốc đã có thêm 3 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 và 1 người nữa tử vong, nâng tổng số người nhiễm cúm này lên 24, trong đó 7 người tử vong.

Theo TS Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, nhưng khả năng bệnh này vào Việt Nam rất lớn do đường biên giới Việt -Trung dài. Ngoài ra, nạn buôn bán gia cầm lậu khá phổ biến. Theo TS Bình, một thuận lợi là chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ việc phòng chống thành công các dịch SARS (2003), cúm A/H5N1 (từ 2004 đến nay), cúm A/H1N1 (từ 2009 đến nay). Vì vậy, Bộ Y tế sẽ có nhiều phương án để phòng chống dịch, tùy từng diễn biến tình hình.

Về công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế cũng quyết định thành lập các điểm tiếp nhận bệnh nhân cúm A/H7N9 tại các bệnh viện Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), TP.Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc men để sẵn sàng đón tiếp bệnh nhân cúm A/H7N9.

Bộ trưởng Y tế kiểm tra chống dịch tại TP.HCM

Chiều 9.4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng chống cúm A/H7N9 tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Bộ trưởng cho biết, đến nay nước ta chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với cúm A/H7N9, nhưng do tỷ lệ người nhiễm cúm ở Trung Quốc tử vong cao, tính phức tạp của dịch bệnh, nên các đơn vị chủ động phòng chống, bằng mọi cách phải ngăn chặn bệnh tràn vào Việt Nam. Lãnh đạo Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế TP.HCM cho biết đã chuẩn bị các trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất cần thiết cho công tác phòng chống dịch bệnh; mỗi ngày bố trí 15 kiểm dịch viên trực,; 2 xe cứu thương tại sân bay...