Dân Việt

Kinh tế “giảm nhiệt”, kỹ thuật “lên ngôi”

10/04/2013 14:00 GMT+7
(Dân Việt) - Tới 9.4, hầu hết các trường THPT đã cơ bản hoàn tất công tác thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2013.

Theo ghi nhận ban đầu, số lượng hồ sơ vào ĐH, CĐ có xu hướng giảm, cơ cấu ngành nghề cũng thay đổi theo hướng hồ sơ vào ngành kinh tế giảm, ngành kỹ thuật tăng. Riêng khối C vẫn tiếp tục “thất thế”...

Hồ sơ giảm

Theo ghi nhận của phóng viên NTNN tại điểm thu nhận hồ sơ Phòng GDĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội), đầu giờ chiều 8.4, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ rất thưa thớt. Ông Nguyễn Đức Chiến - cán bộ phụ trách thu nhận hồ sơ cho biết, đến thời điểm này mới nhận được khoảng 500 bộ hồ sơ, ít hơn khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. “Mọi năm, vào tuần cuối của thời hạn quy định, thí sinh đến nộp ồ ạt nhưng năm nay, đến bây giờ vẫn vắng. Cả buổi sáng tôi mới thu được khoảng 20 bộ hồ sơ” - ông Chiến cho biết.

img
Giáo viên một trường THPT ở tỉnh Bắc Giang kiểm lại hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh.

Tại một số địa phương, nhất là địa bàn nông thôn, miền núi, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi ĐH giảm hẳn so với những năm trước. Theo ông Nguyễn Văn Hồi - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, năm nay học sinh có sự thay đổi rõ rệt trong việc định hướng nghề nghiệp theo hướng thực tế hơn. Số học sinh đăng ký dự thi vào các trường CĐ, trung cấp nghề chiếm trên 50%.

Lý do là thực tế tỷ lệ thí sinh đỗ ĐH mọi năm không cao do phần đa thí sinh có học lực trung bình, trung bình khá, trong khi đó, đi học theo diện cử tuyển có nhiều ngành nghề không phù hợp, sinh viên ra trường không có việc làm... Ông Hồi cũng cho biết, khối nông lâm tăng vọt 20% về số lượng hồ sơ so với năm trước.

Tương tự, ông Trần Văn Thi - Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn, Bắc Giang cũng cho biết, số học sinh đăng ký dự thi hệ ĐH năm nay chỉ chiếm khoảng 30%, giảm 20 - 30% so với năm trước. Số học sinh còn lại đăng ký vào các trường CĐ, trung cấp, trường nghề hoặc có hướng đi làm luôn sau khi tốt nghiệp THPT. “Thí sinh ngày càng tiếp cận với nhiều thông tin thực tế hơn. Về phía trường, chúng tôi cũng bám sát thị trường lao động để tư vấn, giúp các em có hướng chọn những ngành nghề phù hợp với khả năng cũng như nhu cầu tuyển dụng của xã hội”- ông Thi nói.

Ảm đạm khối C

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nghiêm Quý Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho hay, năm nay thí sinh đã có sự chuyển hướng ngành nghề rõ rệt. Lượng hồ sơ vào ngành kinh tế ít hơn hẳn so với năm ngoái, ngược lại ở khối ngành kỹ thuật lại tăng đột biến. Các trường top giữa vẫn là sự lựa chọn của phần đa thí sinh. Đây cũng là tình hình chung tại Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Theo một cán bộ thu nhận hồ sơ, số hồ sơ dự thi vào ngành kinh tế giảm khoảng 30% so với năm 2012. Thí sinh dự thi khối D1 chiếm tới khoảng 70% tổng hồ sơ toàn trường.

Hạn nhận hồ sơ đăng ký dự thi theo tuyến sở GDĐT kéo dài đến hết ngày 11.4. Từ ngày 12.4 tới 17 giờ ngày 22.4, thí sinh nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ đăng ký dự thi.

Theo ông Vũ Thạch Khiêm - cán bộ thu hồ sơ của Phòng GDĐT quận Hoàn Kiếm ở điểm Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, đến chiều 8.4 mới thu được hơn 300 hồ sơ, trong đó rải rác các ngành chứ không chỉ thiên về kinh tế như vài năm trước. Khối thi được thí sinh chọn nhiều nhất là khối D, tiếp đó là khối A1, ít nhất là khối C với dưới 10 bộ hồ sơ.

Đối nghịch với sự khởi sắc của khối ngành kỹ thuật là không khí ảm đạm của khối C. PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, lượng hồ sơ trường thu được chủ yếu là khối A và D, chỉ lác đác vài bộ khối C. Trường THPT Trần Nhân Tông chỉ có khoảng 100 hồ sơ khối C trên tổng số 1.900 bộ.

Tại Phòng tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM, đến hết ngày 9.4 mới nhận được hơn 2.300 hồ sơ. Trong đó, các Trường ĐH Sài Gòn, Y dược, Kinh tế, Tài chính - Marketing… nhận được khá nhiều hồ sơ. Riêng số hồ sơ đăng ký khối C rất “thảm hại”: chỉ có 20 bộ. Tại Trường ĐH KHXHNV TP.HCM mới chỉ nhận được hơn 40 bộ hồ sơ khối C.