“Hoang tâm” tiêu tốn của anh thời gian, công sức, nung nấu... như thế nào - nhất là khi anh quyết tâm thay đổi và xác định, phải không ngừng hấp dẫn?
- Nếu bạn chú ý sẽ thấy ở trang cuối cùng của cuốn sách có ghi “Bắt đầu viết tháng 10 năm 2011 - Viết xong, tháng 1 năm 2013”. Tại sao từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc lại lâu như thế? Vì đang viết thì tôi nhận được những tập luận văn của các bạn sinh viên và học viên cao học chuyên ngành văn gửi đến để góp ý, chỉnh sửa.
Tôi chợt nhận ra, bạn đọc luôn cần những cái mới ở những tác phẩm tiếp theo của nhà văn. Nếu không mới về kết cấu, về kiểu nhân vật, về không gian và thời gian nghệ thuật... thì việc viết những cuốn tiếp theo trở nên vô nghĩa. Và tôi quyết định dừng lại để kịp quên những cái cũ và không thôi nghĩ về những cái mới.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú. |
Anh quan niệm thế nào về người đọc và nghĩ gì về người đọc tác phẩm của anh lâu nay?
- Tôi tạm chia bạn đọc của tôi thành hai đối tượng như thế này: Một là “bạn đọc đúng nghĩa” và hai là “bạn đọc đặc biệt”. Bạn đọc đúng nghĩa là người bỏ tiền ra mua sách của tôi hoặc vì nhu cầu thưởng thức văn học mà tìm đến sách của tôi. Bạn đọc đặc biệt là những người không thuộc đối tượng nêu trên. Ý kiến phản hồi của cả hai đối tượng bạn đọc đối với tôi đều có ý nghĩa nhất định. Muốn có bạn đọc thì hãy biến mình thành một “người kể chuyện” thú vị và độc đáo. Thú vị và độc đáo, đó là điều mà tôi luôn nghĩ đến khi ngồi trước trang viết của mình.
Vì lý do gì với tiểu thuyết mới này, anh tổ chức ra mắt sách?
- Không phải tôi tổ chức ra mắt sách mà là Công ty Phương Đông - đơn vị phát hành tổ chức ra mắt tác phẩm mới của tôi. Tôi nghĩ cũng đã đến lúc tôi “chường mặt” ra trước bạn bè, báo chí và bạn đọc một cách công khai, trực diện để nói về tác phẩm của mình, điều mà tôi vẫn âm thầm chia sẻ trong “góc khuất” của mình trước đây. Hơn nữa, lần ra mắt này cũng là dịp để tôi tri ân với bạn đọc, bạn viết xa gần và các đơn vị xuất bản, phát hành đã giúp đỡ tôi trong thời gian qua.
Dư luận đang quan tâm đến vấn đề nhà văn, nhà thơ trẻ chủ động quảng bá tác phẩm. Anh có nhận xét gì về quá trình này?
- Văn học cũng là một loại hàng hóa đặc biệt. Chúng ta đang sống với nền kinh tế thị trường kia mà. Tôi đã sống qua cái thời bản thảo cứ được NXB “ok” là sẽ in ra vài chục ngàn bản, đưa tới khắp các thư viện huyện. Còn bây giờ NXB “ok” bản thảo mà khi thăm dò thị trường, không có người mua thì sách cũng không thể in ra được. Vậy thì làm thế nào để sách ra đời và đến được tay bạn đọc? Tất nhiên là tác phẩm phải hay rồi, nhưng cũng phải có các hình thức quảng bá nó.
Dương Xuân (thực hiện)