Ông Đỗ Ngọc Toàn - Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp tâm sự: “Chúng tôi xác định, mục tiêu cơ bản, xuyên suốt của Chương trình xây dựng NTM là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, phải xây dựng NTM bằng nguồn lực của người dân trên chính mảnh ruộng của họ. Với điều kiện của địa phương, Quảng Hợp đã chọn khâu đột phá là dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, vận động góp đất để xây dựng công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng”.
Cán bộ UBND xã Quảng Hợp nghiệm thu lò đốt rác thải tại gia đình chị Trần Thị Hằng ở thôn Hợp Bình (bên trái). |
Chị Trần Thị Hằng ở thôn Hợp Bình nói: “Từ khi được hưởng chính sách dồn điền đổi thửa (2010), mấy năm nay bà con nông dân chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều, một mặt vừa đưa được máy móc lớn vào làm, qua đó giảm được chi phí đầu tư về giống và phân bón, mặt khác vừa không phải vất vả, chạy ngược xuôi hết ruộng này sang ruộng khác như trước đây nữa”. Ông Nguyễn Xuân Văn - Trưởng thôn Hợp Bình cho biết: “Nếu như trước đây trung bình 4,7 thửa/hộ thì đến nay chỉ còn 1,58 thửa/hộ”.
Cũng theo lời của Chủ tịch Toàn, xác định tiêu chí 17 (môi trường) là tiêu chí khó khăn nhất, vì vậy với chủ trương “sạch từ nhà sạch ra”, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân xây dựng lò đốt rác thải và hố rác tại ngay khuôn viên gia đình. Một kinh nghiệm quý trong xây dựng NTM ở Quảng Hợp là tiến hành quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, sau đó làm giao thông nội đồng rồi mới tiến hành dồn điền đổi thửa. Người dân thấy có lợi mới nhiệt tình tham gia. Nhờ đó, nhân dân trong xã đã hiến 144.250m2 đất; làm được 6km kênh mương và 25,62km đường giao thông nội đồng, 9,8km đường bê tông nội thôn; hỗ trợ xây dựng 313 nhà tiêu hợp chuẩn... Xã cũng đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn với diện tích 10ha...
Hoài Thu- Hồng Đức