Tôi có một lần ngồi làm cái việc điên điên là theo dõi quãng đường chừng 3km của một quận nội thành thủ đô. Quãng đường đó cứ 25m có một cột đèn đường. Một năm có vài đợt kỷ niệm và vài cuộc vận động gì đó thì mỗi cột cõng 2 pano dì dịt chữ, nội dung hoặc lời trích dẫn, hoặc khẩu hiệu. Khẩu hiệu mang nội dung gì thì mọi người đã biết cả, chỉ có điều theo năm tháng, câu chữ cũng dài ra, khó đọc hơn.
Ảnh minh họa |
Vài ba trăm/cặp pano khung vải chung lưng vào nhau cỡ 1,2-1,8m rải trên quãng đường với nội dung lặp lại ấy tính ra cũng suýt soát 700 triệu đồng (tiền năm 2012) một năm. Đó là chưa kể vài chục cái băng rôn chăng ngang trên cao, chữ cũng dài với những nội dung quen thuộc. Rồi chi phí để nuôi đội quân đi treo rồi tháo gỡ.
Ngắm nó mãi tôi lại nhớ đến câu nói lặp đi lặp lại khá vô nghĩa của nhân vật Píp ngậm miệng trong một vở kịch từ hồi chiến tranh “Hòn đảo thần vệ nữ”: “Hết ngày dài lại đến đêm thâu, ta còn đi trên đất Phi châu”.
Vâng, lễ lạt, vận động là “cơ, đèn, kèn, hoa”, bao giờ cũng thế, bao nhiêu năm nay cũng thế. Xin nói thêm là hầu như rất ít người quan tâm đến nội dung khẩu hiệu băng rôn kiểu ấy. Hình như người chỉ thị làm là theo thói quen, còn người thừa hành thì cứ công thức cũ lặp lại năm này qua tháng khác. Công việc cứ như là mộng du.
Một đoạn đường ngắn thôi mà như thế nên khi qua Thái Nguyên hay lên Sơn La thấy hàng chục cây số kéo dài những pa nô đỏ rợp và chi chít chữ không thể đọc kịp thì cũng không lấy gì làm lạ. Nói rộng ra, trên khắp các tỉnh thành cả nước, số pano và băng rôn mỗi năm ăn vào ngân sách bao nhiêu tỷ đồng mà hiệu quả là gì không rõ. Khi đất nước thay đổi, dân trí khác xưa mà vẫn kiên trì tuyên truyền kiểu cái loa sắt tây cũ kỹ không những kém tác dụng mà gây lãng phí biết bao nhiêu.
Một họa sĩ già có lần kể tôi nghe: Cách đây 40 năm, một vị lãnh đạo trong tuyên huấn Thành ủy Hà Nội nói với ông, bao giờ nước ta bớt đi những thứ băng rôn chăng ngang, chăng dọc theo thói quen này thì mới khá lên được.
Bao giờ người làm tuyên truyền mới nhận ra điều đó?
Đỗ Đức