Điểm xảy ra động đất sáng 23-6. |
5 giây sợ hãi
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (thuộc Viện Vật lý Địa cầu) cho biết, trận động đất xảy ra vào 8 giờ 55, có cường độ 4,7 độ richter tại vị trí có tọa độ 10,5 độ vĩ Bắc, 109 độ kinh Đông thuộc vùng biển Phan Thiết. Đây là trận động đất xảy ra ngoài biển nên không gây thiệt hại gì trên đất liền, không tạo ra sóng thần.
Nhiều người dân ở TP. HCM đã cảm nhận được sự rung chuyển của trận động đất này. Chị Mai Xuân ở quận 1 (TP. HCM) kể lại: “Từ tầng 7 tòa nhà 79 Trương Định, tôi có thể cảm nhận được khá rõ, toà nhà đã rung rinh đến 3 lần. Lần rung thứ nhất khá mạnh còn hai lần sau nhẹ hơn và cách nhau khoảng 5 giây. Tôi đã từng sống ở Nhật nên dễ dàng nhận ra có động đất. Mặc dù dư chấn khá nhẹ nhưng nếu xảy ra ở Việt Nam thì hãi thật, vì ở nước ta đâu có thiết kế nhà cửa để chống động đất”.
Anh Trần Mạnh Quân ở quận 10 (TP. HCM) cũng cảm nhận được điều tương tự: “Tôi làm ở tầng 6, lúc đó đang ngồi trên ghế nhưng vẫn cảm nhận được sự lắc lư, cảm giác giống người say. Tôi nhìn chai nước trước mặt cũng nghiêng nghiêng. Sau đó mọi người đều chạy ra ngoài thang bộ và những người tầng trên bắt đầu ồ ạt chạy xuống”. Không riêng TP.HCM, tại Đồng Nai, nhiều người cũng cảm nhận được sự rung rinh khi ngồi trên các toà nhà cao tầng. Anh Huy Thanh, làm việc tại một công ty ở khu công nghiệp Hố Nai 3, huyện Trảng Bom chia sẻ: “Tôi và đồng nghiệp đang làm việc trên tầng 2 cũng cảm nhận sự rung chuyển của toà nhà, hú vía!
Người dân ở TP.HCM đã có một phen sợ hãi vì dư chấn động đất. |
Việt Nam nằm trong vùng động đất trung bình
Vùng biển Phan Thiết đến đất mũi Cà Mau nằm trên đới đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải, từng gây ra núi lửa và động đất mạnh ở đảo Hòn Tro ngoài khơi Phan Thiết. Đứt gãy có khả năng sinh động đất mạnh nhất là đứt gãy chạy dọc theo kinh tuyến 110, ngang từ Đà Nẵng trở vào.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Xuyên - nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, những trận động đất ở ngoài khơi Vũng Tàu, Phan Thiết... gây chấn động trong đất liền, không phải là hiện tượng gì bất thường so với dự đoán. Ngay trên bản đồ chấn động cực đại ở lãnh thổ Việt Nam do Viện Vật lý Địa cầu tạo lập, vùng ven biển Trung bộ và Nam bộ, từ Quảng Ngãi đến Vũng Tàu là vùng động đất cấp 6 và nhỏ hơn, không gây hư hại nhà cửa nhưng gây sợ hãi.
Theo PGS-TS. Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, trận động đất sáng 23-6 xảy ra tại hệ thống đứt gãy này.
Các nhà khoa học cho rằng, trên dải đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải có khả năng xảy ra động đất có cường độ lớn nhất là cấp 7. Đối với miền Nam nói riêng hay Việt Nam nói chung, dù nguy cơ động đất không phải là thường trực nhưng cũng không phải là nhỏ, nhất là khi ngày càng xuất hiện nhiều công trình lớn, nhiều nhà cao tầng.
* Chiều 16-5-2007, tại Hà Nội đã xảy ra chấn động mạnh cấp 3- 4 do ảnh hưởng của động đất 6,1 độ richter tại khu vực phía Bắc Lào. Hàng nghìn người hoảng loạn tháo chạy khỏi các cao ốc.
* Đêm 28-11-2007, xảy ra trận động đất trên đới đứt gãy Bình Thuận - Vũng Tàu, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 200 km đất với cường độ 4,5-5 độ richter tại tâm chấn gây ảnh hưởng tới các tỉnh từ Bình Thuận tới Vũng Tàu.
Bốn vùng tiềm ẩn nguy cơ động đất ở Việt Nam:
1.Tây Bắc, nơi từng xảy ra động đất mạnh đến 6,8 độ richter.
2. Vùng dọc theo đứt gãy sông Hồng và sông Chảy- hai đứt gãy chạy song song, cách nhau khoảng 20km, kéo dài từ Lào Cai đến Vịnh Bắc bộ.
3.Vùng đứt gãy sông Cả, kéo dài từ biên giới Việt-Lào đến Cửa Lò (Nghệ An), Thạch Khê (Hà Tĩnh).
4. Vùng ven biển Trung bộ và Nam bộ, từ Quảng Ngãi đến Vũng Tàu.
Đình Thắng - Anh Chiến