Dân Việt

"Trang trại B40"

25/06/2010 16:45 GMT+7
(NTNN) - Đến Trường bắn Quốc gia khu vực 2- Quân khu 5 (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Bình Định), khách tham quan sẽ gặp nhiều khu vực quây lưới B40,
img
Đàn heo của Trường bắn Quốc gia khu vực 2 đang ngày càng sinh sôi nảy nở. Hồng Vân

Đến Trường bắn Quốc gia khu vực 2- Quân khu 5 (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Bình Định), khách tham quan sẽ gặp nhiều khu vực quây lưới B40, trong đó có khu vực chính rộng đến 2ha. Nuôi hổ chăng? Không, đó là "trang trại" nuôi heo đen (heo cỏ) của các phòng ban.

Chuyện nuôi heo của trường bắn bắt nguồn từ kinh nghiệm bên… Campuchia. Đã từng chăn nuôi cải thiện khá lành nghề khi còn làm lính tình nguyện nên khi trường bắn được thành lập, cán bộ, chỉ huy đơn vị đã nghĩ ngay đến chuyện nuôi heo thả rông.

Phòng Tham mưu nhận trách nhiệm xung kích với 3 con giống nuôi thử nghiệm. Từ nguồn vốn của đơn vị và huy động trong cán bộ, chiến sĩ, phòng mua lưới thép về quây quanh khu đất hoang, bằng phẳng, có suối chảy qua. Nuôi heo đen không quá nhọc công, chủ yếu là chúng tự ụi cỏ kiếm ăn. Mỗi ngày một lần cử người ra quăng cho củ mì, dây rau lang, chuối cây.

Tuy dễ nuôi nhưng vì đẻ đúng vào mùa mưa gió, dễ nhiễm lạnh nên heo con bị hao hụt khá lớn. Chính vì vậy, 2 năm nay đơn vị quyết định xây dãy chuồng trại với 5 ô lớn. Heo nái đến khi gần đẻ được lùa vào chuồng, tăng cường cám bổ dưỡng, chăm sóc cả mẹ lẫn con, nhờ thế sản lượng heo không ngừng tăng. Qua 3 năm, số heo "xuất trại" đã lên đến con số hàng trăm.

Từ mô hình của Phòng Tham mưu; Đại đội xe tăng, Phòng Hậu cần, Kỹ thuật đều làm "trang trại" nuôi heo. Đến nay ngoài heo thịt đã có thêm 10 heo nái được thả. Chăn nuôi mạnh kéo theo trồng mì, khoai tăng thêm diện tích. Cả đơn vị rộn ràng tăng gia, vùng đất trước đây hoang hóa nay mướt mát màu xanh.

Tiền thu từ nguồn tăng gia này mỗi năm cả chục triệu đồng, được chi cho các hoạt động văn hoá, thể thao và cải thiện đời sống bộ đội. Mỗi lần nhận chiến sĩ mới hay tiễn quân nhân hết nghĩa vụ quân sự; ngày lễ, Tết, đôi khi cuối tuần, đơn vị lại mổ heo liên hoan. Heo đen nhỏ chừng dăm chục ký, ít mỡ, thịt chắc lại được bàn tay bộ đội chế biến khéo léo thành các món quay, nướng, luộc, xào, gói bánh chưng đều thơm, ngon không ở đâu bằng. Cuộc sống ấm áp làm cho cán bộ chiến sĩ thêm gắn bó, yêu mến đơn vị.

Tiếng lành đồn xa, thấy bộ đội nuôi heo đen ít tốn kém mà hiệu quả, bà con xã Bình Thành cũng bắt đầu nuôi theo. Đơn vị trở thành nơi cung ứng giống heo con cho nhân dân trong vùng với giá hữu nghị. Cán bộ còn nhiệt tình hướng dẫn cách nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh. Tình đoàn kết quân dân dưới chân núi Tây Sơn, Bình Định càng thêm sâu đậm.