Một hầm than mới mở ở Khe Tre. |
Chúng tôi đi theo con đường dốc dựng đứng do các đơn vị khai thác than mở, từ chân núi cho đến đỉnh Khe Tre gần chục km, chỗ nào cũng bắt gặp những vạt rừng bị cày xới tan hoang, những gốc cây với đường kính nửa mét phơi lên trong nắng.
Bên cạnh đó, những mỏ than đã bị khoét rỗng bị bỏ lại ngổn ngang như những hố bom khổng lồ, có mỏ rộng đến trăm m2. Gần đến đỉnh, chúng tôi bắt gặp cảnh tượng như một đại công trường, với hàng trăm người cùng máy xúc, máy ủi, ầm ầm bạt núi, mở đường, đào mỏ...
Dẫn đường cho chúng tôi, ông Trần Văn Trung (thôn Đại Mỹ, Đại Hưng) thở dài: Khe Tre từng rộng hàng trăm ha, giờ xơ xác. Khu rừng tội nghiệp này phải oằn mình gánh chịu nạn đào xới, đục khoét của đội quân khai thác than đá và chịu bị đốn hạ không thương tiếc cây rừng để phục vụ cho việc chèn chống hầm lò và đốt than.
Ngày 8-6 vừa qua, một đợt mưa giông đưa đất đá, than, bùn trên Khe Tre đổ xuống lấp chết toàn bộ đồng lúa 4,5 ha của thôn Đại Mỹ. Mới đây, ngày 17-6, cũng một trận mưa giông đưa than đá trên Khe Tre tràn xuống, cá dân nuôi trong ao, hồ, thậm chí cá tự nhiên trên sông Côn (hạ lưu Khe Tre) chết la liệt. “Đây là những cơn mưa rời rạc, nếu trời mưa liên tiếp thì chắc nhiều làng mạc sẽ bị than, bùn, đất, đá của Khe Tre lấp hết” - ông Trung lo lắng.
Tình trạng khai thác than đá ở rừng Khe Tre diễn ra từ năm 2008. Có hơn chục đơn vị tham gia khai thác, trong đó có phép lẫn không phép. Ngày 1-2-2010 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh truy quét, giải tỏa ngay, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân liên quan…
Tháng 5-2010, UBND tỉnh Quảng Nam đình chỉ tất cả các hoạt động khai thác than ở rừng Khe Tre trong thời gian 6 tháng. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị khai thác than phải hoàn thổ, tìm biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ra. Thế nhưng văn bản này đã không “đến” được giới khai thác “thổ phỉ” ở Khe Tre.
Vũ Vân Anh