Chinh phục đồi hoang
Sau nhiều năm chiến đấu ở chiến trường B và bị thương, năm 1973, ông Lữ Xuân Toàn giải ngũ. Trở về địa phương, có lúc tưởng chừng ông không thể vượt qua những cơn đau nhức do vết thương tái phát. Nhưng nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, đói ăn thường xuyên, ông không cam lòng. Xoay xở đủ nghề: Đi xây, chăn nuôi, hái măng bán... nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo...
Ông Lữ Xuân Toàn chăm sóc rừng của gia đình. |
Vùng đất Thạch Giám quê ông từ bao đời nay, người dân sống chủ yếu bằng nương rẫy. Lúc nông nhàn, bà con vào rừng kiếm củi, chặt phá rừng tự nhiên, rừng dần dần chỉ còn cỏ hoang, đồi trọc. Không chấp nhận với thói quen cũ kỹ hằn sâu trong nếp sống, nếp nghĩ của người nông dân, ông trăn trở tìm hướng đi mới với suy nghĩ phải làm giàu vốn rừng cho quê hương, lấy rừng để nuôi sống mình.
Trước hết, ông bàn với vợ, con nhận đất trồng rừng và thông qua Hội Cựu chiến binh (CCB) tín chấp cho vay để phát triển dự án kinh tế rừng, làm trang trại. Vậy là ông nhận 10ha đồi hoang, đất cằn đá sỏi cách nhà hơn 1km để khởi nghiệp. Khi mới vào làm, khu vực này toàn lau lách hoang sơ không một bóng người, ngay đến vợ ông cũng khuyên can: Chẳng thà ở ngoài này đói no còn có anh có em, chứ vào đó chết rục cũng chẳng ai hay… Biết bao đêm trằn trọc bàn cãi trong gia đình, cuối cùng ông quyết định vào đây bám trụ. Ngày này qua ngày khác, vợ chồng ông phát quang bụi rậm, gai góc, bẫy đá, đào hố trồng cây.
“Những ngày đầu gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Tôi phải tiết kiệm từng xu để thực hiện ước mơ trồng rừng. Trồng rừng không phải cứ cắm cây xuống là xong mà phải học. Tôi đã đi bộ cả chục cây số đến lâm trường huyện học hỏi kỹ thuật, mà ở thời điểm đó vết thương do chiến tranh để lại đôi lúc lại tái phát nên vô cùng cực khổ”- ông Toàn nhớ lại.
Tỷ phú và tình yêu rừng
Hơn 10 năm trời khai phá, đất không phụ công người, hơn 10ha đất trống, đồi trọc đã phủ đầy màu xanh của cây nguyên liệu như bạch đàn, tràm, keo. Ngoài ra, ông Toàn còn đầu tư nuôi hơn 50 con bò, 200 con gà, đào ao thả cá. Đến nay, ông đã trả hết số tiền vay và hiện từ trang trại này, mỗi năm gia đình ông có thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng. Đó là nguồn thu nhập không nhỏ đối với người dân những xã vùng rừng ở miền tây xứ Nghệ.
Giờ ông Toàn đã hơn 70, cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng hàng ngày vẫn thấy ông có mặt trong trang trại để giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc rừng trồng. Ông cho biết: "Tình yêu rừng đã thấm vào da thịt tôi từ lâu. Tôi trồng rừng không chỉ để mưu sinh mà còn góp sức mình giữ gìn, bảo vệ rừng mãi mãi xanh tươi vì cuộc sống của con người".
Người thương binh Lữ Xuân Toàn không chỉ đi đầu về trồng rừng giỏi, mà còn vận động người dân trong xã cùng bắt tay vào việc phủ xanh đồi trọc trên chính mảnh đất quê hương mình. Chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm qua quá trình "sống chết" với rừng, ông động viên nhiều người dân trên địa bàn xã, huyện cùng góp phần tháo gỡ thế độc canh cây lúa, cũng như khắc phục tiềm năng đất lâm nghiệp đã hoang hóa và các hành vi tác động tiêu cực vào rừng.
Tiến Dũng - Lê Mai