Dân Việt

Xử lý “1 quả trứng 5 lần đóng phí”: Kiểm tra qua... giấy tờ

19/09/2012 07:34 GMT+7
(Dân Việt) - Sau loạt bài “Một quả trứng 5 lần đóng phí”, Bộ trưởng yêu cầu Cục Thú y, cùng các đơn vị có liên quan vào cuộc. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Bộ trưởng, các đơn vị chỉ báo cáo là “không có sự việc đó”...

Báo cáo này đã khiến Bộ trưởng phát cáu và yêu cầu các cục, vụ, viện phải kiểm tra và có báo cáo lại.

img
Việc quả trứng “cõng” bao nhiêu loại phí kiểm dịch vẫn chưa được các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT làm rõ.

Kiểm tra qua... công văn

Như NTNN đã đưa tin, với mỗi một quả trứng hiện nay, từ khâu sản xuất, đến khâu lưu thông, tiêu thụ, trung bình phải chịu ít nhất 5 khoản phí kiểm dịch các loại, trong đó có cả những khoản phí ngoài chứng từ. Chính ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã thông báo: “Hiện một quả trứng từ trang trại đến tay người tiêu dùng bị thu tới 5 lần phí kiểm dịch, mỗi lần tới 50 đồng/quả”.

Theo Cục Thú y, sau thông tin trên, cục này đã… gửi công văn yêu cầu các tỉnh kiểm tra và được các tỉnh báo cáo lại: Không có chuyện 1 quả trứng bị 5 lần đóng phí.

Về báo cáo này, ngày 17.9, tại một cuộc họp của Bộ NNPTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phát cáu, nói: “Vụ Tài chính (thuộc Bộ NNPTNT- PV) chưa tổ chức đoàn kiểm tra về những vấn đề cụ thể liên quan đến lạm thu. Cần làm rõ xem thực tế có việc 1 quả trứng 5 lần đóng phí hay không. Nếu có thì nguyên nhân là ở đâu?”.

Trả lời vấn đề này, bà Đinh Thị Phương- Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính nói: “Theo thống kê các khoản thu - chi vừa qua cho thấy, các quy định về thu phí kiểm dịch không có vấn đề gì”.

Quá bức xúc với cách làm này, Bộ trưởng Phát nói tiếp: “Cái tôi yêu cầu là phải làm rõ thông tin dư luận quan tâm vừa qua là hiện tượng lạm thu như chuyện 1 quả trứng 5 lần đóng phí, con lợn từ trang trại tới bàn ăn, phải đóng nhiều khoản phí... Cục Thú y lần họp trước đã báo cáo nhưng mới chỉ là tổng hợp của các địa phương, nhưng thực tế có thể khác không như báo cáo”.

“Phải đóng giả làm người buôn trứng”...

Bộ trưởng Phát gay gắt: “Tôi đã chỉ đạo từ tháng trước, Bộ trưởng chỉ đạo trực tiếp mà vẫn không làm, thế tôi họp với các anh, chị để làm gì? Các anh, chị phải đóng giả làm người buôn trứng thì mới ra vấn đề. Đây là việc quốc gia, không phải việc của riêng nhà ai cả, nên chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm túc. Phải phân tích thật cụ thể xem, ở cơ sở cán bộ của ta thực thi công vụ có vấn đề hay chính các văn bản có vấn đề khiến người dân phàn nàn về các khoản phí. Từ đó mới có phương án giải quyết cụ thể được”.

“Các đồng chí kiểm tra xong mà tôi chẳng rút ra được cái gì để chỉ đạo các địa phương cả”.

Về nhiệm vụ cụ thể, ông Phát đã yêu cầu Vụ Tài chính phối hợp với các đơn vị có liên quan làm rõ vấn đề này ngay trong tháng 9. Đồng thời, Thanh tra Bộ cũng phải làm rõ và báo cáo tình hình thực thi công vụ của lực lượng thú y.

“Vừa qua, dư luận nhắc đến việc cán bộ thú y bán khống giấy kiểm dịch, đưa dấu cho chủ lò mổ đóng dấu kiểm dịch… các đồng chí đi kiểm tra có báo trước không” - Bộ trưởng Phát nêu vấn đề.

Đối với việc ban hành Thông tư 33, 34, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu: Cuối tháng 9, đầu tháng 10, các đơn vị liên quan cần kiểm điểm và chịu trách nhiệm với việc ban hành Thông tư 33, 34 về quy định bán thịt lợn trong vòng 8 tiếng đồng hồ và kinh doanh trứng gia cầm phải có những tiêu chuẩn như buồng lạnh, đóng gói, khử trùng… gây phản ứng tiêu cực trong dư luận. Tùy theo cấp độ sẽ có hình thức kỷ luật đối với các cá nhân liên quan”.

Thanh tra sẽ kiểm tra độc lập

Trao đổi với phóng viên NTNN, chiều 18.9, ông Phạm Văn Hiền- Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT cho biết:

- Theo báo cáo trước đây của phía Cục Thú y, thì việc kiểm dịch trong thời gian vừa qua đối với trứng gia cầm và các cơ sở giết mổ không có vấn đề gì, được thực hiện theo đúng Pháp lệnh Thú y và các quy định pháp luật khác. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, tôi đã yêu cầu các bộ phận có liên quan làm việc trực tiếp lại với Cục Thú y để làm rõ hơn vấn đề này.

Báo cáo của Cục Thú y và Thanh tra Bộ thì việc kiểm dịch thực hiện đúng theo quy định, vậy vì sao Bộ trưởng vẫn yêu cầu kiểm tra lại?

- Chỉ đạo của Bộ trưởng là đúng. Song việc kiểm tra hiện nay vẫn phải thực hiện theo đúng Luật Thanh tra, bởi trên thực tế thì mỗi lô hàng đều phải có kẹp chì để kiểm dịch, nhưng cũng có trường hợp một số lô hàng thì chủ hàng đã tự ý gỡ bỏ kẹp chì, vì thế lực lượng chuyên ngành yêu cầu phải kiểm dịch lại và đương nhiên lô hàng đó cũng phải đóng thêm phí kiểm dịch.

Hiện có cái khó trong Luật Thanh tra là thanh tra viên thực chất chỉ là công chức, chứ không phải viên chức, do vậy khi muốn kiểm tra việc gì đó, thường lực lượng thanh tra phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chứ không thể kiểm tra độc lập. Tuy nhiên, trong thời gian tới, một mặt chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng, một mặt chúng tôi sẽ thành lập các đoàn thanh tra việc thực hiện thu - nộp phí kiểm dịch.

Theo kế hoạch, lực lượng thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra như thế nào?

- Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất ở một vài tỉnh, thành một cách chi tiết về vấn đề này (kiểm dịch) trên tất cả các địa bàn Bắc- Trung- Nam trong cả nước. Việc kiểm tra sẽ được Thanh tra thực hiện độc lập, không có sự tham gia của lực lượng thú y các tỉnh, để đảm bảo tính chính xác, khách quan về vấn đề này. Từ đó, sẽ có những đề xuất, giải pháp cụ thể gửi lãnh đạo Bộ.

Xin cảm ơn ông!