Thoát khỏi cánh đồng
Ngọc Tư nói chị không muốn độc giả chờ đợi ở mình một “Cánh đồng bất tận” nữa, vì giờ chị đâu còn ngồi ở đó nữa, đã ra tới “Sông” rồi, và con sông Di của chị thì chẳng có ở đâu cả, nó chỉ chảy trong văn của Tư thôi. Nó khiến ai đã lạc vào đó cùng Tư thì mê mải, và buồn.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng độc giả trong buổi giao lưu. |
Buồn vì trong thế giới của “Sông”, người ta nói về cái ác, cái chết như một khoái cảm, những vị anh hùng lịch sử chỉ có trong câu nói mớ của một bà cụ loạn trí, người ta đổ xô kiếm tiền không biết thế nào là đủ, và những người trẻ thì chông chênh, không thiết tha với bất cứ điều gì. Không thể tìm ở đây một cấu trúc tiểu thuyết thông thường với các tuyến nhân vật có tính cách, có lý lịch rõ ràng, thắt nút mở nút, chỉ thấy ở đó một đời sống ngồn ngộn những đắng cay được gia giảm một chút chất thơ.
Có thể tóm tắt về “Sông” một câu thế này: Một chàng “gay”, khi người tình bỏ đi lấy vợ, đã quyết lên đường đi tìm sông Di, lang thang qua những miền quê và cuối cùng tan biến vào một rốn nước khi chưa kịp tới chặng cuối của hành trình. Nhưng nếu chỉ đơn giản trong một câu như vậy, thì làm sao để có một cuốn tiểu thuyết dày gần 300 trang đây. Và Ngọc Tư đã kể điều đó bằng trái tim của chị, bằng một cuộc đi tìm lại chính mình của nhân vật.
Ở cuốn tiểu thuyết đầu tay này, Ngọc Tư vẫn viết bằng lối văn hồn nhiên duyên dáng đã làm nên thương hiệu của chị, lối văn khiến nhà văn lão thành Châu Diên có mặt trong buổi giao lưu vẫn khiêm tốn nhận mình là học trò, và nhún nhường chào “cô giáo” Ngọc Tư. Nhà văn Ngô Thảo xúc động nói: “Ngọc Tư chỉ viết văn sao cho hay ho thôi, còn chị làm khổ những ai muốn chuyển thể nó ra thành phim, thành kịch. Chỉ một câu lửng lơ của Ngọc Tư, chúng tôi loay hoay không biết làm thế nào cho trọn vẹn trên phim”.
Rất nhiều độc giả cũng đến trong buổi giao lưu, để được gặp Ngọc Tư, xếp hàng đặt câu hỏi, để bày tỏ lòng yêu mến... MC của buổi giao lưu- nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã tình nguyện đóng vai như một “bầu sô” để cố vấn cho Ngọc Tư nói gì, trả lời ra sao trước những câu hỏi giao lưu.... Văn ra sao người thế ấy, suốt buổi giao lưu, Ngọc Tư ngồi cười cười hiền khô, chị giãi bày chân thành, “quê kiểng”, không chút màu mè...
Đời cũng như sông
Những người trẻ như Ân, như Bối, như Xu- 3 nhân vật chính của “Sông” bắt đầu chuyến hành trình đi tìm sông Di mà chẳng cần biết tên thật xuất xứ của nhau, chỉ cần có chung một khao khát lên đường. Nhưng cái gắn bó ấy nó không bền chặt, bởi nó nào có gốc rễ sâu xa, nên chẳng may trong 3 người 1 người biến mất, cũng không làm những người còn lại bận tâm, đời vẫn trôi chảy như sông.
Một hiện thực đau đớn cứ hiện ra tưng tửng qua giọng kể của Ngọc Tư, những làng quê hoang vắng vì người ra đi theo dòng thác cuốn của đồng tiền, đi tìm tiền, bỏ lại phía sau những người đàn bà héo úa để rồi lại nhấn sâu mình vào một cô gái điếm ở một cái chợ trôi ngã bảy nào đó. Người ta say tiền đến độ không sợ sông Di rồi có một lúc nào đó ngoạm vào bờ, cuốn họ đi trong một xoáy nước bởi người ta tự nhủ “bao giờ có đủ tiền mình sẽ dừng lại”, mà khốn thay, tiền thì có bao giờ là đủ đâu.
Trên dọc hành trình đi tìm sông Di, người ta gặp những con người mô tả cái chết, cái ác như một khoái cảm. Ám ảnh mãi cái chi tiết 2 người ở ngã ba nào đó khoái trá bình luận với nhau về một vụ chém giết - cái chân bị chém ngọt như người ta phạt một lóng mía. Có những người mẹ 15 tuổi, đẻ con ra để bán, đứa đầu tiên thì khóc, những đứa sau thì ráo hoảnh vì đã quen rồi. Chỉ tưng tửng thế thôi, rồi ai muốn nghĩ thế nào thì nghĩ.
Mà có những điều ấy bởi vì đâu? Bởi vì thế giới trong “Sông” đang đảo lộn, đang loạn lên, rối bời như kiến chạy mưa, số đông mê mải tìm tiền, số khác, bất hạnh hơn thì mê mải tìm mình vì không biết mình là ai, tại sao mình có ở trên đời và để làm gì.
Lê Tâm