Dân Việt

"Ái ngại", "mơ hồ" khi bàn chuyện đất đai

19/09/2012 19:33 GMT+7
(Dân Việt) - Chủ tịch Quốc hội dùng từ “mơ hồ”; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh nói “ái ngại”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì nói tới “bất cập”. Và sau đó là “chung chung”, “rườm rà”…

Đây là những từ ngữ được các vị đại biểu của dân dùng để chỉ nguyên tắc định giá đất, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất, liên quan đến vấn đề gây khiếu kiện nhiều nhất, trong một bộ luật có nhiều văn bản nhất, chồng chéo nhất, dù sát sườn nhất đối với dân chúng.

Trước khi Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra nghị trường, đã có nhiều tín hiệu lạc quan về một sự chuyển biến để Luật Đất đai không còn là luật giấy, bất cập, xa lạ với thực tế, gây khổ đau cho nhân dân và cản trở sự phát triển. Nhưng ngày 17.9, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương đã cho rằng cơ chế giá đất trong Dự án luật sửa đổi “chưa giải quyết được vướng mắc hiện nay là Nhà nước thất thu, nông dân thiệt thòi, chỉ có nhà đầu tư hời”, và “lộn xộn nhiều loại giá gây bất ổn cho thị trường”...

Những tù mù, chung chung, bất cập, mơ hồ gây nhiều “ái ngại” là hoàn toàn dễ hiểu khi những câu chữ trong dự luật “phù hợp với giá thị trường”, thay thế cho "sát với giá thị trường" khiến ngay cả những người sẽ “bấm nút” cũng chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao.

Luật Đất đai đang được bàn sửa. Hơn 300 văn bản hướng dẫn thi hành thực ra chính là sự chồng chéo, giẫm đạp nhau, và càng nhiều văn bản, càng gây ra nhiều “hậu quả của sự mơ hồ” trong thực tế. Vụ Cống Rộc, Tiên Lãng có vẻ là một ví dụ điển hình cho sự mơ hồ, khi mà chính quyền có thể hiểu luật theo ý muốn chủ quan của mình.

70% số vụ khiếu tố là liên quan đến đất đai mà “chênh lệch đến phi lý giữa giá đền bù và giá bán ngoài thị trường” là một trong những “thủ phạm” chính của khiếu tố, đã được chỉ tên từ cách đây chẵn 10 năm khi Tổng Thanh tra Tạ Hữu Thanh nhắc đến việc “phải đền bù theo giá thị trường có định hướng” như là một giải pháp căn cơ để gỡ nóng. “Người dân khó chịu và khiếu kiện nhiều vì nói một đường, trả một đường khác, rồi bắt chẹt”- đây là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội khi ông yêu cầu nguyên tắc định giá đất phải được sửa rõ ràng, minh bạch.

Nếu thiếu sự minh bạch, nhất là trong việc xác định nguyên tắc để định giá đất, thì Luật Đất đai có sửa thế, sửa nữa vẫn chỉ mang lại lợi ích cho thiểu số nhà đầu tư, trong khi không ai dám quả quyết khiếu tố trong lĩnh vực đất đai sẽ bớt nóng bỏng...