Ông Phạm Mạnh Ninh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty trao đổi với NTNN về chương trình này. Ông Ninh cho biết: Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình (tên thương hiệu là NIFERCO) tiền thân là Nhà máy Phân lân Ninh Bình, được thành lập năm 1977. Phân bón do công ty sản xuất chiếm được lòng tin với khách hàng trên toàn quốc và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Lào...
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình. |
Thưa ông, mô hình bán phân bón cho ND qua kênh Hội ND, được thực hiện hơn 10 năm nay, có những thuận lợi, khó khăn gì?
- Hội ND là một tổ chức chính trị - xã hội có uy tín nên việc đưa sản phẩm tới ND rất hiệu quả. Thời gian qua, công ty đã phối hợp với Hội ND các cấp tổ chức tập huấn, khảo nghiệm trên đồng ruộng. Công ty có đội ngũ kỹ sư nông nghiệp giỏi chuyên môn giới thiệu cặn kẽ, dễ hiểu, dễ nhớ về từng loại sản phẩm cho ND.
Công ty còn thường xuyên mời đại diện các xã đến công ty tham quan quy trình sản xuất hiện đại nhằm tạo niềm tin của bà con ND vào sản phẩm.
Với ưu điểm chất lượng phân bón tốt, giá cạnh tranh, phương thức thanh toán đa dạng, công ty lại hỗ trợ vận chuyển sản phẩm đến tận nơi nên nhiều ND đã hưởng ứng chương trình mua phân bón trả chậm.
Các tỉnh như Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... đã triển khai tốt mô hình này với lượng tiêu thụ sản phẩm hàng năm khá lớn. Tuy nhiên việc bán sản phẩm cho ND, nhất là ND nghèo với phương thức thanh toán chậm nên việc thu hồi vốn cũng gặp không ít khó khăn.
Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp, việc bình ổn giá phân bón của công ty như thế nào?
- Quả thực, đây là một bài toán rất khó, đòi hỏi công ty phải nỗ lực hết mình. Việc tìm tòi, áp dụng những sáng kiến tiết kiệm, giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin cho ND là nhiệm vụ hàng đầu của tập thể cán bộ, công nhân viên công ty. Bên cạnh việc bình ổn giá phân bón cho ND hàng vụ, tạo thuận lợi cho các hộ nghèo không có điều kiện đầu tư sản xuất, công ty còn có chiết khấu một phần doanh thu để các cấp Hội ND cơ sở có thêm kinh phí hoạt động.
Năm 2012, công ty sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ trong việc phát triển thương hiệu và thị trường để đạt được các chỉ tiêu cơ bản: Giá trị sản xuất công nghiệp 163,525 tỷ đồng, doanh thu 720 tỷ đồng, nộp ngân sách 11 tỷ đồng...
Được biết, ngoài việc kinh doanh công ty còn đặc biệt quan tâm đến đảm bảo vệ sinh môi trường. Ông có thể cho biết các giải pháp xử lý môi trường trong quá trình sản xuất?
- Làm tốt bảo vệ môi trường trước tiên là cho sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên công ty. Công ty đã đầu tư cải tạo hệ thống hòa sữa vôi để trung hoà xử lý nước thải, khí thải của lò cao đảm bảo tiêu chuẩn thải, mới thải ra môi trường, đồng thời đầu tư xây lắp các thiết bị bể lắng có dung tích 2.000m3 để lắng lọc thu hồi chất thải rắn quay lại tái chế 100%. Khí thải khói bụi đều được thu gom, lắng lọc, tận thu quay lại tái chế giảm chi phí sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh của công ty.
Khuôn viên công ty hiện nay như một công viên xanh cũng góp phần tạo cảm hứng cho người lao động và khách đến tham quan.
Xin cảm ơn ông!
Minh Hồng - Nguyễn Luyên