Ông Nguyễn Đại Thắng ở thôn Phú Nghĩa, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã mày mò và ứng dụng thành công chế phẩm men vi sinh E.M, nhờ đó trại lợn của gia đình ông không có mùi hôi thối…
Nuôi hàng nghìn con lợn nhưng không có mùi
Trang trại của ông Thắng rộng tới 15.000m2, còn khu chuồng cũng độ vài ngàn m2, được ông phân thành từng ô, bên nuôi lợn, bên nuôi gà. Nền chuồng hoàn toàn bằng đất, nhưng lúc nào mặt nền cũng khô ráo, không thấy phân, nước tiểu của lợn, gà, nhất là không ngửi thấy mùi hôi thối đặc trưng của phân lợn, gà.
Dùng chế phẩm vi sinh E.M giúp lợn kháng bệnh, chóng lớn, không gây ô nhiễm môi trường. |
Dẫn chúng tôi đi thăm từng khu chuồng, ông Thắng dùng tay đào lớp "đất" màu nâu đưa lên mũi ngửi, rồi nói: "Tôi nuôi cả nghìn con lợn, nhưng tuyệt nhiên không có mùi hôi thối bao giờ. Trang trại của tôi lúc nào cũng đảm bảo được "ba không": Không chất thải, không khí thải và không hủy hoại môi trường".
Ông giải thích thêm: “Sở dĩ chuồng lợn của tôi không có mùi vì nền chuồng được "lót đệm" bằng hỗn hợp gồm đất sét phơi khô, mùn cưa và chế phẩm men vi sinh E.M (Effective Macrooganism - quần thể sinh vật hữu hiệu). Men vi sinh sẽ phân hủy tất cả các loại vi khuẩn lớn bé trong chất thải của gia súc, gia cầm, nên không có mùi hôi thối, không tạo ra khí CO2 gây ô nhiễm môi trường”.
Giảm bớt dịch bệnh
Theo ông Thắng, dùng men vi sinh E.M có rất nhiều tác dụng, vì không phải láng nền xi măng nên chi phí xây dựng chuồng trại được tiết kiệm, chỉ tốn vài trăm nghìn đồng mỗi chuồng. Ngoài ra, ông còn tiết kiệm được nhân lực, công quét dọn chuồng, không phải dùng nước để rửa cho lợn… Đặc biệt, lợn và gà nuôi trên nền đệm vi sinh giảm được dịch bệnh, lớn rất nhanh, thịt lợn chắc. "Tôi sử dụng E.M trong chăn nuôi 4 năm nay và đàn lợn chưa bao giờ bị long móng, lở mồm, gà thì giảm nguy cơ bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng…" - ông Thắng cho biết.
Công nghệ E.M không chỉ làm cho chuồng lợn, gà, nhà vệ sinh không còn ruồi nhặng, hôi thối mà còn có thể làm sạch môi trường không khí và dùng làm phân bón giúp tăng năng suất cây trồng. Sau khi có tài liệu, nhờ sự trợ giúp của các nhà khoa học từ Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, ông Thắng đã nghiên cứu ra công thức trộn E.M với một số phụ gia làm "đệm lót" cho khu vực chăn nuôi, rất phù hợp với chăn nuôi trang trại và hộ gia đình do bảo đảm được khâu vệ sinh, đặc biệt là dễ làm, chi phí thấp.
Ông Thắng cho biết: "Lớp đệm lót ít nhất dày 50 - 60cm và có thể dùng được 4 - 5 năm, sau đó có thể sử dụng làm phân bón cho ngô, rau, màu rất tốt, năng suất cao hơn hẳn phân hóa học".
Không những thế, ông còn dùng chế phẩm E.M để ủ thức ăn lên men cho lợn, gà, giảm được chi phí đầu vào khoảng 20 - 30% và dùng để "khống chế" mùi hôi thối ở các bồn cầu, làng nghề... "Tôi rất mong các cơ quan chức năng và các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh E.M của tôi, để có thể phổ biến cho mọi người dân cùng biết, cùng làm. Trước mắt, nếu ai muốn học tập "chuyển giao" công nghệ này tôi sẵn sàng hướng dẫn" - ông Thắng bày tỏ.
Ông Dương Ngọc Oánh - Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết: "Mô hình ứng dụng chế phẩm E.M của ông Thắng rất hiệu quả. Xã cũng đang có kế hoạch nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí cũng như việc tập huấn còn gặp nhiều khó khăn nên chưa triển khai được".
Việt Tùng - Hồng Quyên