Khiếu kiện đất đai ngày càng phức tạp
Đại biểu (ĐB) tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn hỏi ngay về vấn đề đã, đang rất "nóng" hiện nay là giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Ông đề nghị Bộ trưởng Quang đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh khiếu kiện đất đai đang rất bức xúc nhưng Luật Đất đai sửa đổi chưa trình Quốc hội trong năm nay.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chưa thỏa đáng về tình trạng khu công nghiệp bỏ hoang còn nông dân thiếu đất sản xuất. |
Không né tránh vấn đề, Bộ trưởng Quang cho biết nguyên nhân của khiếu kiện nhiều và kéo dài về đất đai là do sự thiếu dân chủ và kiên quyết trong khâu thực hiện. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là giá đền bù còn thấp, chưa có quy định xây dựng điểm tái định cư trước khi tiến hành đền bù, giải phóng đất; vấn đề chuyển đổi nghề, năng lực cán bộ còn yếu. Để tháo gỡ trong khi chưa sửa được Luật Đất đai, Chính phủ và Bộ đang thực hiện sửa đổi các quy định, đặc biệt là Nghị định 69/2009 về đền bù, thu hồi đất.
Tuy nhiên, chưa hài lòng về phần trả lời của người đứng đầu lĩnh vực quản lý đất đai, nhiều ĐB yêu cầu Bộ trưởng Quang đưa ra giải pháp, công khai thông tin về các vụ việc mà dư luận đặc biệt quan tâm như vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), vụ thu hồi đất ở khu đô thị Ecopark (Hưng Yên), việc bảo đảm đời sống cho nông dân tại hàng loạt dự án thủy điện… Bộ trưởng Quang nhắc lại việc Chính phủ vừa tổ chức hội nghị chuyên đề để giải quyết vấn đề này. Sau hội nghị đó, các bộ, ngành đã thành lập 18 đoàn để xử lý các vụ việc nổi cộm trên toàn quốc và cả các vụ việc mới phát sinh.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cũng đăng đàn để "đỡ lời" cho Bộ trưởng Quang về vấn đề này.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, bình quân có 400.000 lượt người/năm đi khiếu nại đất đai trên toàn quốc. Từ kỳ họp thứ hai của Quốc hội đến kỳ họp thứ ba này, các cơ quan chức năng tiếp nhận 52.000 lượt đơn.
Dù giảm cả số đơn, số người và số vụ việc, nhưng tình hình khiếu nại, tố cáo càng ngày càng phức tạp, gay gắt, đông người, vượt cấp, thậm chí xảy ra tình trạng người dân đe dọa cán bộ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Gần 500 vụ việc thuộc thẩm quyền cấp trung ương chưa giải quyết được sẽ được giải quyết làm hai đợt, tính từ nay đến cuối năm. Ông Tranh cho biết, về lâu dài, Quốc hội và Chính phủ phải thực hiện điều chỉnh cơ chế chính sách để giải quyết căn bản vấn đề khiếu kiện, tố cáo về đất đai.
“Thảm đỏ cho doanh nghiệp, thảm... gai cho nông dân”
Một thực tế được ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) và nhiều ĐB khác nêu ra là tình trạng các dự án "xí phần" đất, nhưng sau đó lại không hoặc chậm thực hiện dự án làm cho nông dân thiếu đất sản xuất, lãng phí tài nguyên đất đai. ĐB Khanh còn nhấn mạnh đến thực trạng khu công nghiệp cũ chưa lấp đầy nhưng các khu công nghiệp mới lại liên tục mọc lên. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) còn ví von rằng: "Vừa qua, chúng ta trải thảm đỏ cho doanh nghiệp nhưng đồng thời lại trải thảm... gai với nông dân. Nhiều khu đô thị hoang, nhiều khu công nghiệp “ma” đang tồn tại".
Giao đất nông nghiệp tới 50 năm
Liên quan đến vấn đề sử dụng đất nông nghiệp, Bộ trưởng Quang trả lời trước Quốc hội rằng, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm sẽ được kéo dài lên 50 năm nữa. Và như vậy, việc chia lại đất nông nghiệp vào năm 2013 cũng sẽ không diễn ra cho đến 30 năm tới. Diện tích đất canh tác được sử dụng trên hộ gia đình cũng sẽ được tăng từ 5-10 lần so với hiện nay. Tuy nhiên, việc sở hữu diện tích lớn sẽ kèm theo các điều kiện về đóng thuế nhằm tránh đầu cơ đất, phục vụ trực tiếp cho người sản xuất.
Phần trả lời của Bộ trưởng Quang về vấn đề này không được suôn sẻ khi nhiều ĐB phải đứng lên chất vấn lần hai. Ông Vinh trả lời rằng việc chưa lấp đầy được các khu công nghiệp buộc "phải chấp nhận" vì phải có thời gian mời gọi các nhà đầu tư. Còn việc xây mới các khu công nghiệp là theo quy hoạch trước đây, không vi phạm.
"Tiếp sức" cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong vài phút, ở cuối phiên chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng có phát biểu khá cụ thể. Bộ trưởng Dũng nói rằng, nguyên nhân của tình trạng lãng phí, bỏ hoang đất là do khâu quy hoạch chưa tốt, các địa phương phát triển công nghiệp, đô thị theo phong trào. Việc quy hoạch, giao đất đáng ra được triển khai từng bước, nhưng ở nhiều dự án, đất đã được giao quá sớm, có dự án đã giao đất cho 20 năm sau. Bộ trưởng Dũng cho biết, thời gian tới sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định để khắc phục tình trạng này, trong đó phải đặc biệt chú trọng đến đời sống của nông dân sau khi bị thu hồi đất.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Quốc hội không nên chờ Chính phủ nữa
Tuy nhiên, theo tôi, việc sửa Luật Đất đai Quốc hội không nên chờ Chính phủ nữa. Thực tế hiện nay rõ ràng Quốc hội bị phụ thuộc vào Chính phủ. Chính phủ chưa làm xong thì Quốc hội chưa làm và trong sự chậm trễ đó phải chăng chứa đựng cả vấn đề lợi ích nhóm? Hiện nay, chúng ta cấp phép dễ dãi quá và trong sự dễ dãi không phải không có lợi ích của những người cấp phép.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang): Người dân và Nhà nước chưa “gặp nhau”
Thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã rất quan tâm giải quyết vấn để đất đai, nhưng lòng dân vẫn chưa yên nên khiếu kiện về đất đai vẫn tiếp tục diễn ra, phức tạp. Theo báo cáo, những kiến nghị về đất đai đã được giải quyết tốt đến 90%, tuy nhiên thực tế người dân mất đất họ vẫn tiếp tục khiếu nại. Như vậy, có thể khẳng định là chưa có sự “gặp nhau” trong việc giải quyết những kiến nghị liên quan đến đất đai giữa cơ quan nhà nước và người dân.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Bộ trưởng Vinh “né” nhiều
Cách trả lời của Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh vẫn còn né tránh. Nhiều lần Chủ tịch Quốc hội đã nhắc Bộ trưởng đi thẳng vào các vấn đề đại biểu nêu, nhưng Bộ trưởng vẫn chưa trả lời ngay. Bộ trưởng nêu quá nhiều những thành tích mà chưa đi sâu giải quyết những vấn đề bức xúc cần giải quyết hiện nay.
H.P (ghi)
Thái độ cá nhân chưa rõ ràng
Tôi thấy một số vấn đề Bộ trưởng Bộ TNMTBộ Tài nguyên và Môi trường còn trả lời chung chung, khiến nhiều đại biểu không thỏa mãn, phải hỏi vặn lại. Hai lần chất vấn, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) vẫn không có được câu trả lời khiến bà hài lòng bởi câu trả lời của Bộ trưởng "chưa rõ", "quá chung chung". Thái độ của cá nhân Bộ trưởng với những điểm nóng Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Cần Thơ chưa rõ ràng. Điều cử tri quan tâm là Bộ trưởng đánh giá vấn đề này thế nào, ai đúng, ai sai, đúng sai đến đâu, xử lý thế nào với các vụ việc trên.
Nguyễn Thị Kim (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)
Tăng mức đầu tư trồng lại rừng
Vấn đề tái định cư ở các thủy điện "nóng" ở nhiều góc độ: Số lượng người dân phải di dời tái định cư rất lớn, tần suất di dời nhanh, mức độ thực hiện trên một địa bàn quá dày… dẫn tới việc chăm lo đời sống người dân chưa tốt. Đặc biệt, các dự án thuỷ điện đều nằm ở miền núi, nơi có rừng. Vì vậy, khi xây dựng dự án thuỷ điện đều gây ra những thiệt hại rất lớn cho rừng: Lấy đất tái định cư, mở đường giao thông, lấy vật liệu xây dựng thuỷ điện, vật liệu tái định cư, làm lòng hồ tích nước, thay đổi môi trường, sinh thái ảnh hưởng tới rừng… Vì thế tôi cho rằng phải buộc các chủ đầu tư tăng mức đầu tư vào trồng lại rừng. Tôi mong muốn ý kiến của ông Quang sẽ sớm thành hiện thực.
Dương Loan (phường Quyết Tâm, TP.Sơn La)
Ai nắm thay Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư?
Nghe Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh trả lời Quốc hội, tuy buồn nhưng tôi vẫn phải... cười! Là người hiểu biết không nhiều, nhưng tôi thấy hình như các doanh nghiệp nhà nước, hay bất kỳ địa phương nào khi sử dụng nguồn vốn từ ngân sách, nếu là cấp huyện phải thông qua Sở KHĐT, cấp tỉnh; tập đoàn hay tổng công ty phải thông qua bộ. Nếu bộ không duyệt thì đào đâu ra vốn, có đi vay đi chăng nữa cũng phải thông qua Bộ KHĐT kia mà. Vậy mà những sự vụ ở Vinashin, Vinalines... mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói là không nắm được thì còn ai nắm hộ Bộ trưởng?
Nguyễn Minh Thảo (Đông Anh, Hà Nội)
H.P (ghi)
Sỹ Lực