Dân Việt

"Đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn"

14/06/2012 08:27 GMT+7
Dân Việt - Trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội diễn ra sáng nay, Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Xây dựng khẳng định, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn.

Sáng nay, 14.6, ngày thứ 2 diễn ra phiên chất vấn tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục làm việc với phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Trong phiên trả lời này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của ĐBQH về các giải pháp chung của Chính phủ và của Bộ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, việc thu mua chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm sụt giảm mạnh; việc quy hoạch đầu tư và quản lý vận hành các nhà máy thủy điện đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế - xã hội, cơ chế mua điện của các nhà đầu tư, cơ chế điều hành giá xăng dầu...

img
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh internet

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trước phần trả lời của Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội cho biết: Câu hỏi tổng quát nhất, trách nhiệm nhất trong thời điểm này chính là thúc đẩy tháo gỡ khó khăn hỗ trợ để sản xuất kinh doanh nhất là trong ngành công nghiệp, thương mại nội địa và xuất nhập khẩu bình ổn.

Để từ đó giúp cho các doanh nghiệp thuộc thành phần nước ngoài, doanh nghiệp trong nước được trụ vững và phát triển lành mạnh trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Vì thế, phải giải quyết được công ăn việc làm, tăng sức mua giải quyết hàng tồn kho…

Ngoài ra một số vấn đề quan trọng khác như công nghiệp dầu khí, mỏ, tình hình điều hành giá cả thị trường, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trong tiến trình tái cơ cấu.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) hỏi Bộ trưởng Hoàng về các giải pháp tích cực, kịp thời để giải quyết tình trạng độc quyền của ngành điện, xăng, dầu đã gây nhiều hệ lụy trong thời gian vừa qua. Trách nhiệm của Bộ trưởng trước Đảng, nhân dân khi để tình trạng độc quyền này tồn tại quá lâu. Lộ trình độc quyền kéo dài tới 17 năm nên được giải thích như thế nào.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thùy (Bình Định) nêu ra rõ, để giải quyết tình trạng thiếu điện Bộ đã quy hoạch nhiều sự án thủy điện, trên 40 km miền Trung đã có 14 dự án thủy điện gây tình trạng phá rừng, gây ô nhiễm, mất đất sản xuất ,tình trạng xả lũ…, đồng thời, đề nghị Bộ trưởng Hoàng đưa ra giải pháp cho tình trạng trên và hướng  xử lý của Bộ trưởng với những công trình thủy điện có sự cố, đặc biệt là với thủy điện Sông Tranh 2.

Đại biểu Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) hỏi, trong khi doanh nghiệp trong nước thờ ơ với nông sản thực phẩm thì người Trung Quốc lại vào sâu để mua. Nguyên nhân vì sao có tình trạng trên, giải pháp của Bộ để người dân yên tâm.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) đề cập đến hệ lụy của 1.097 dự án thủy điện và hỏi Bộ Công Thương đã có giải pháp như thế để giải quyết hệ lụy trên và đảm bảo chất lượng, xây dựng, quản lý vận hành các dự án thủy điện.

Trả lời các câu hỏi chất vấn của các ĐBQH về giải pháp phá bỏ độc quyền ngành điện, xăng dầu, Bộ trưởng Hoàng cho biết, ngành điện và xăng dầu là ngành quan trọng có liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia.

Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng độc quyền thì thị trường thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, hạn chế phát triển và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bộ trưởng khẳng định sắp tới sẽ xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp (chứ không phải độc quyền nhà nước).

Trong năm 2012, các nhà máy điện không phân biệt tư nhân nhà nước được chào giá công khai, công bằng đối với trung tâm điều độ. Năm 2022 sẽ hình thành thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Giải thích về tình trạng độc quyền kéo dài, Bộ trưởng Hoàng cho hay, vì thị trường điện hết sức mới mẻ nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, liên quan đến toàn xã hội nên phải thận trọng, đối với xăng dầu cũng vậy.

Bộ trưởng Hoàng nhận một phần trách nhiệm vì đã để tình trạng độc quyền doanh nghiệp tồn tại quá lâu và thừa nhận Bộ chưa làm hết trách nhiệm. Thời gian tới sẽ cố gắng phối hợp với các bộ ngành để có chuyển biến tích cực hơn.

Xung quanh vấn đề phát triển thủy điện, để trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP.HCM), Bộ trưởng cho biết: Câu chuyện phát triển thủy điện nhỏ luôn thu hút sự quan tâm. Bộ không ít lần có giải trình đối với Chính phủ, Quốc hội.

Đối với phát triển thủy điện, ở Việt Nam hệ thống sông suối nhiều, trong điều kiện chống lũ về mùa mưa, cấp nước mùa khô nên thủy điện hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, nhiều công trình thủy điện đã phát huy được vai trò này. Việt Nam đang dần trở thành một nước nhập khẩu năng lượng, vì vậy, nguồn năng lượng tái tạo này đã tạo ra nhiều hiệu quả.

Bên cạnh đó cũng có những phát sinh gây hại như liên quan đến đền bù, di dân tái định cư, thay đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường… Trách nhiệm của Bộ Công Thương là tìm giải pháp để khuyến khích mặt tích cực hạn chế mặt tiêu cực như đã loại bỏ 52 dự án, và tiếp tục loại bỏ các công trình không đáp ứng các yêu cầu.

Về các giải pháp khắc phục mặt bất cập, Bộ trưởng đã nêu ra một số giải pháp như rà soát lại tổng số các dự án, sau đó yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ quy định xung quanh vấn đề cấp nước, quy trình điều tiết các hồ chứa; xác định quỹ đất để trồng rừng, bồi hoàn lại quỹ đất đã sử dụng để xây dựng thủy điện. Nếu để xây dựng 1MW điện mà không đáp ứng đủ 6,2 ha đất thì kiên quyết không thông qua dự án cho chủ đầu tư.

Riêng về thủy điện Sông Tranh 2, Bộ Công Thương và EVN đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và hứa sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình trong thời gian tới.

Giải thích vì sao chưa kiểm định hết, chưa rà soát hết các công trình thủy điện như yêu cầu đã đặt ra, Bộ trưởng lý giải, do lực lượng cán bộ mỏng và cho biết sẽ cố gắng hoàn thành việc kiểm định từ nay đến đầu năm 2014.

Về câu hỏi của đại biểu Quang Cường (Hải Phòng) đề cập tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc thu mua nông sản, Bộ trưởng Hoàng cho biết, thương nhân Trung Quốc hay nước ngoài nói chung có luật Thương mại điều chỉnh, và từ năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO thì có quy định điều chỉnh. Đối với thương nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại thì không được phép thu mua mà phải thông qua thương nhân Việt Nam.

Các thương nhân có hiện diện thương mại thì được phép thu mua, xuất khẩu sản phẩm nhưng không được thành lập hệ thống thu mua.

Vừa qua Bộ cũng đã kiểm tra và xác nhận thương nhân Trung Quốc có ký hợp đồng với các doanh nghiệp Việt Nam chỉ là để kiểm tra chất lượng (ví dụ với vải thiều). Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp tham gia trực tiếp vào quá trình này và báo chí đã có phản ánh. Bộ đã kiểm tra và yêu cầu Sở Công Thương một số tỉnh đã kiểm tra và xử lý theo từng cấp độ quy định.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng tiếp tục đặt câu hỏi tại sao tình trạng độc quyền doanh nghiệp lại phải kéo dài như vậy. "Tôi chưa thấy trong dự thảo có giải pháp căn cơ để xóa bỏ độc quyền mà chỉ thất giải pháp về thị trường phát điện và phân phối. Bộ trưởng cần có trách nhiệm cao hơn nữa trước nhân dân. Tôi thấy thiếu sự nhiệt tình và tâm huyết của Bộ trưởng", ông Hùng nói.

Trả lời câu hỏi “mở” này của đại biểu Hùng, Bộ trưởng Hoàng cảm ơn trước những gợi ý phải thực hiện tốt hơn trách nhiệm và hứa sẽ làm hết trách nhiệm. Và việc có rút ngắn hơn lộ trình này hay không, Bộ trưởng Hoàng cho hay việc này còn phụ thuộc vào điều kiện khách quan.

Có vẻ như chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng xung quanh việc xây dựng, quy hoạch thủy điện nhỏ, đại biểu Nguyễn Thanh Thùy (Bình Định) hỏi lại. Đại biểu Thùy đưa ra ví dụ để xây dựng 4MW điện phải phá 70 ha rừng, vậy việc đánh đổi rừng xây dựng thủy điện nhỏ có cần thiết hay không.

Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh, nếu việc xây dựng thủy điện mà phá rừng nhiều nhưng không giải pháp nào để khắc phục thì sẽ kiên quyết dừng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi tình trạng hàng giả, hàng nhái lộng hành, trong khi đó, vấn đề điều hành giá xăng dầu một lần nữa được đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nhắc tới và yêu cầu Bộ trưởng Hoàng cho biết có tình trạng lợi ích nhóm hay không.

Về tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng buôn lậu trốn thuế ở biên giới, Bộ trưởng Hoàng khẳng định đây là tình trạng rất cấp thiết, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng đến doanh nghiệp và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng ghi nhận ý kiến của đại biểu Phương rất xác đáng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thừa nhận tình hình “thẩm lậu” hàng hóa rất khó để đối phó do công tác kiểm tra, xử phạt còn nhiều bất cập, lực lượng quản lý thị trường phát sinh tiêu cực.

Xung quanh cơ chế điều hành giá xăng dầu được đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) chất vấn, Bộ trưởng Hoàng cho biết, cơ chế điều hành xăng dầu đang được thực hiện theo Nghị định 84.

Tuy nhiên, vì quy định 30 ngày trong việc điều chỉnh giá và yêu cầu dự trữ xăng dầu nên đã xảy ra tình trạng “lỗi nhịp” khi tăng giảm, điều hành giá xăng dầu.

Sau giờ giải lao, Bộ trưởng Hoàng tiếp tục "giải trình" về các công trình thủy điện và nhiều vấn đề khác.

Liên quan đến công trình thủy điện Sông Tranh 2, đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) chất vấn lại, lưu lượng thấm 75lit/giây tại công trình này là tiêu chuẩn nào cho phép và có nhất thiết phải di dời dân hay không. Hậu quả xảy ra ai sẽ là người chịu.

Trong khi đó, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng và nhắc lại, liệu việc điều hành giá xăng dầu có tác động của lợi ích nhóm hay độc quyền của doanh nghiệp xăng dầu hay không.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề cập đến những khó khăn của vấn đề tam nông như giải pháp kiểm soát thức ăn, vật tư nông nghiệp hay vấn đề khoai lang Vĩnh Long bị thương lái Trung Quốc ép giá.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) sau câu hỏi hỗ trợ nông dân trồng dừa và giải pháp khắc phục tình trạng sản xuất hàng hóa từ dừa cầm chừng, tiếp tục thắc mắc về việc “ai hưởng lợi từ giá điện 1.7000 đ/KW” và tại sao với giá này, Bộ Công Thương lại bảo lỗ. Cùng vấn đề với đại biểu Phong, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) hỏi vì sao giá điện Trung Quốc lại quá chênh lệch với giá điện mua trong nước.

Về câu hỏi liệu có tồn tại lợi ích nhóm trong điều hành xăng dầu của đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Bộ trưởng trả lời, việc điều hành giá xăng dầu là phối hợp liên bộ Công thương - Tài chính. Hiện có 12 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, không thuộc một bộ nào quản lý, như vậy là xã hội chứ không phải của bộ, ngành nào.

Bộ trưởng kết luận: "Như vậy là không phải lợi ích nhóm".

Trả lời câu hỏi về sự cố xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận lưu lượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 là lớn và phải "nghiêm túc, xem xét xử lý". Còn việc di dân sẽ phụ thuộc vào kết quả của quá trình kiểm tra qua sự phối hợp với Bộ Xây dựng.

Về giá cả vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Hoàng cho hay, giải pháp tới đây là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý sai phạm, hoàn thiện khung pháp lý, tăng mức xử phạt cao hơn và chặt chẽ hơn. Về bình ổn giá, trong 11 mặt hàng sẽ có mặt hàng phân bón.

Về vấn đề khoai lang ở Vĩnh Long bị ép giá, Bộ trưởng Hoàng mời Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát cùng tham gia trả lời.

Bộ trưởng Hoàng chia sẻ với đại biểu Phong về giá dừa và tình trạng sản xuất cầm chừng đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể như xúc tiến thương mại, phối hợp với các thương vụ tìm thêm thị trường, xem xét thuế xuất khẩu để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp...

Trả lời thắc mắc của đại biểu Đồng (Quảng Trị) về câu chuyện nhập siêu ô tô và điện thoại, Bộ trưởng Hoàng cho hay, nhập khẩu ô tô và điện thoại là câu chuyện năm ngoái, năm nay, nhập khẩu ô tô giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, điện thoại cũng giảm nhiều.

Trước câu hỏi về hiện tượng khai thác titan bừa bãi, thiếu quy hoạch gây hệ quả rất xấu của đại biểu Dương Trung Quốc, Bộ trưởng Hoàng cho biết đã soạn thảo xong quy hoạch về khai thác titan và đang chờ báo cáo tác động môi trường.

"Đúng là có những thực tế như đại nêu và vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ thị dừng mọi hoạt động liên quan đến titan vì phải có khai thác chế biến sâu", ông Hoàng đáp.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hoàng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời bổ sung một số vấn đề về quản lý Nhà nước. Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải đáp thắc mắc về chất lượng của công trình sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn.

Phó Thủ tướng nói, về vấn đề chống độc quyền ngành điện, phát triển ngành điện cạnh tranh, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, các bộ ngành liên quan tham gia hết sức tích cực, đồng thời, Chính phủ sẽ phê duyệt lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2022.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ cũng tính tới sự phức tạp trong hình thành thị trường điện cạnh tranh, nên đã yêu cầu thực hiện các bước hết sức thận trọng.

"Khi anh xóa bỏ độc quyền thì phải đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, phải có cạnh tranh lành mạnh trong thị trường điện. Đều phải thực hiện các bước thử nghiệm, sau đó có đánh giá để khắc phục mới làm tiếp", Phó Thủ tướng nói.

Ông Hải nói thêm, một trong những lý do khiến tiến hành chậm thị trường điện bán lẻ là do phải thực hiện các giải pháp ứng phó với tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính.

Về thủy điện, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát lại quy hoạch về thủy điện, loại bỏ 52 nhà máy thủy điện. Song theo Phó Thủ tướng, việc phát triển thủy điện là cần thiết, phải thực hiện theo quy hoạch và có sự phối hợp giữa các bộ ngành có liên quan.

Đối với việc tái định cư ở các dự án thủy điện, mục tiêu lâu dài phải được làm trong nhiều năm nhưng trước mắt phải lo đủ đất cho người dân, đồng thời chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ.

Ngoài ra, vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ là một trong những nội dung tái cơ cấu kinh tế và là mục tiêu mà phấn đấu nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới nghĩ tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định đập Sông Tranh 2 rất an toàn với 3 lý do: thiết kế an toàn, nền đập an toàn và chất lượng bê tông tốt. Hiện tượng rò rỉ không phải là sự cố mà chỉ là hiện tượng thấm nước. Hiện các bộ ngành đã chỉ đạo chủ đầu tư chống thấm, khắc phục trước mùa lũ, chỉ được tích nước khi đập được khẳng định an toàn.

Ông Dũng cũng lấy ví dụ: "Thế giới hiện nay có 600 đập sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn, có hiện tượng thấm nước, nhưng người ta đều khắc phục được và không có sự cố xảy ra. Hai đập ở Mỹ thấm hơn ở Sông Tranh của ta (200 lit/giây) nhưng vẫn xử lý được".

Kết luận sau phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tóm gọn: phiên chất vấn kết thúc với phần trả lời rõ ràng, mạch lạc, có trách nhiệm.

Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở, các Bộ trưởng phải cam kết các vấn đề như thúc đẩy sản xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải phóng hàng tồn kho, tiêu thụ sản phẩm, phục hồi sức tiêu thụ sản xuất, thanh toán nợ nần, tránh gây biến động lây sang các ngân hàng thương mại, cùng các ngân hàng tái cơ cấu nợ.

Chiều nay, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đăng đàn. Đây là lần đầu tiên ông Quang trả lời chất vấn trước Quốc hội.