Hệ thống đường giao thông khang trang tại xã nông thôn mới Liên Mạc (Từ Liêm, Hà Nội). |
Hôm qua 28-6, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010 dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Đồng chí Trương Tấn Sang
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới cho biết, tính đến tháng 6, trong 11 xã điểm về xây dựng nông thôn mới đều đã được phê duyệt quy hoạch chung, trong đó có 4 xã hoàn thành các quy hoạch chi tiết. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay đã có khoảng hơn 200 hạng mục công trình đang được triển khai, chủ yếu là đường giao thông nông thôn, xóm, trường học, nhà văn hoá…
Việc xây dựng nông thôn mới hiện nay vẫn dựa vào huy động sức dân là chính như tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP. HCM) nhân dân đã hiến đất làm đường với giá trị lên đến 29,4 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo tổng hợp của 11 xã, đến tháng 6 năm nay số vốn thực hiện đã đạt gần 500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 66%, dân đóng góp 22%, doanh nghiệp tài trợ chỉ khoảng 12%.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Xuân Hùng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thì các nguồn lực đầu tư vào xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu lao động còn khó khăn.
Theo ý kiến của các địa phương, vấn đề khó khăn nhất hiện nay vẫn là công tác quy hoạch nông thôn. Tại nhiều địa phương, việc quy hoạch không giữ được bản sắc riêng, không phù hợp với từng địa điểm cụ thể.
Trả lời thắc mắc này, ông Bùi Phạm Khánh- Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng: "Vấn đề quy hoạch cho các xã nông thôn mới chưa được các nhà khoa học, nhà đầu tư, các tổ chức khác tham gia. Cần nghiên cứu ban hành các loại mẫu nhà ở phù hợp để hướng dẫn, khuyến khích nhân dân xây dựng nhà ở truyền thống. Ban hành sổ tay hướng dẫn quy hoạch nông thôn".
Rất khó khăn về vốn
Vấn đề vốn luôn làm các địa phương "đau đầu" trong các dự án xây dựng nông thôn mới. Ông Bùi Công Bền - Phó Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang cho biết: "Trong cơ cấu vốn đầu tư của Kiên Giang cho xây dựng mô hình xã điểm ở Định Hoà, huyện Gò Quao từ tháng 6-2009 đến nay là 35,3 tỷ đồng, nhưng vốn T.Ư mới rót về được có 7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp được 9 tỷ đồng, còn doanh nghiệp chỉ đóng góp có 3 tỷ đồng.
Còn ở Hà Nội, ông Trịnh Duy Hùng- Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay: "Hà Nội đang tiến hành xây dựng mô hình xã điểm ở Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Theo bố trí tổng nguồn vốn lên đến 105 tỷ đồng (trong đó ngân sách thành phố là 71 tỷ đồng), song đến nay chưa có được nguồn vốn trên để thực hiện".
TP. HCM là địa phương "mạnh tay" nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ riêng tại xã điểm nông thôn mới ở Tân Thông Hội, thành phố đã huy động được 120 tỷ đồng, trong đó riêng nông dân đóng góp được 65 tỷ đồng (chiếm 55%). Ông Trần Minh Kỳ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Cho đến nay, chúng tôi mới huy động được 27 tỷ đồng để đầu tư vào xã Gia Phố, huyện Hương Khê, trong đó ngân sách của tỉnh chỉ là 1,4 tỷ đồng".
Nhân rộng mô hình
Phát biểu tại buổi sơ kết, đồng chí Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng nông thôn mới đánh giá cao và biểu dương Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án và các xã làm điểm và xây dựng mô hình nông thôn mới.
Đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng: "Sau khi xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, các địa phương phải tính đến việc nhân rộng mô hình. Chính vì thế, việc đề xuất, kiến nghị xây dựng cơ chế chính sách rất quan trọng. Thông qua sơ kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm xem mô hình nào, tiêu chí nào thì phù hợp vùng, miền nào để nhân rộng ra toàn quốc".
Đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định: "Kể cả đến năm 2015 thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới đại trà trên toàn quốc thì trong quá trình triển khai vẫn phải điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nguyễn Công - Ngọc Lê