Dân Việt

Nhiều khó khăn đang được gỡ

29/06/2010 18:08 GMT+7
(NTNN) - Ngày 28-6, Bộ Y tế đã có cuộc họp với các ngành chức năng nhằm tháo gỡ một số vướng mắc liên quan tới thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế mới.
img
Bảo hiểm xã hội và công an sẽ chịu trách nhiệm xác định bệnh nhân có vi phạm Luật Giao thông hay không.

Bệnh nhân không phải tự chứng minh “không phạm luật”

Hiện nay, rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông đã không được thanh toán theo Luật Bảo hiểm Y tế (NTNN đã phản ánh). Bởi lẽ, theo thông tư hướng dẫn của luật này thì người bị tai nạn phải có trách nhiệm đến cơ quan công an để xác định không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Khi đó, họ mới được trả lại tiền viện phí đã nộp. Đây là nội dung mà Bộ Tư pháp đã “tuýt còi” 2 lần vì nó trái Luật Bảo hiểm Y tế, đẩy “quả bóng” xác định vi phạm cho người bệnh khi họ gặp tai nạn.

Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay liên bộ đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về việc này.

Theo đó, người bị tai nạn giao thông sẽ được hưởng quyền lợi trước, sau đó Bảo hiểm xã hội phối hợp với cơ quan công an để xác định bệnh nhân có vi phạm hay không vi phạm Luật Giao thông. Văn bản điều chỉnh đã gửi liên cơ quan từ 2 tuần trước xin ý kiến.

Một số trường hợp sẽ không cần phải xác minh có vi phạm hay không vi phạm Luật Giao thông gồm: Trẻ dưới 6 tuổi, người trên 85 tuổi và các trường hợp bị tâm thần, đột quỵ… Nếu đối tượng trên bị tai nạn giao thông, đương nhiên sẽ được Quỹ Bảo hiểm Y tế thanh toán mà không cần điều kiện ràng buộc gì.

Theo bà Tống Thị Song Hương, với trường hợp không xác định được có vi phạm hay không vi phạm Luật Giao thông thì đương nhiên họ được xếp vào đối tượng không vi phạm và được Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả bình thường. Trong Quý I năm nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thanh toán cho 22.000 lượt bệnh nhân tai nạn giao thông với số tiền khoảng 20 tỷ đồng.

Cần hỗ trợ người nghèo, cận nghèo

Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn các địa phương sử dụng Quỹ 139 để hỗ trợ vào số cùng chi trả 5% của người nghèo. Trong lúc chờ đợi, nhiều địa phương như TP. HCM đã hỗ trợ 15% số cùng chi trả cho bệnh nhân thận nhân tạo, Khánh Hòa hỗ trợ 5% cho người nghèo, dân tộc. Tỉnh Tiền Giang cũng dùng nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.

Một thực tế khó khăn hiện nay khi thực hiện theo thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế là người nghèo cùng chi trả 5% viện phí. Do vậy, với đối tượng chạy thận nhân tạo, mổ tim, bệnh nhân huyết áp... 5% viện phí cũng là một gánh nặng lớn. Vì số tiền 5% không phải là vài chục ngàn mà từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng.

Vừa qua, một số địa phương có dùng Quỹ 139 (Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo) để hỗ trợ bệnh nhân nhưng không phải nơi nào cũng làm được. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn các địa phương sử dụng Quỹ 139 để hỗ trợ vào số cùng chi trả 5% của người nghèo. Trong lúc chờ đợi, nhiều địa phương như TP. HCM đã hỗ trợ 15% số cùng chi trả cho bệnh nhân thận nhân tạo, Khánh Hòa hỗ trợ 5% cho người nghèo, người dân tộc thiểu số. Tỉnh Tiền Giang cũng dùng nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tới đây khi điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ thì các cơ sở sẽ có thêm nguồn hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo. Hiện nay, viện phí tính chưa đúng chưa đủ. Cụ thể, viện phí hiện nay 60% là vào thuốc, 10% vật tư tiêu hao, 30% là tiền công, dịch vụ thì trong đó 15% vẫn thực hiện theo Thông tư 04 nghĩa là chỉ có 2.000 đồng/lần khám. Do vậy, theo ông Thảo, khi viện phí được tính đủ sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và người bệnh nghèo được hỗ trợ nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi một loạt điều chỉnh liên quan đến Bảo hiểm Y tế thì bệnh nhân nghèo vẫn tiếp tục cùng chi trả theo văn bản hiện hành (nếu không có sự hỗ trợ linh hoạt của địa phương và cơ sở y tế). Theo Bộ Y tế, hiện 56,6% dân số đã có thẻ Bảo hiểm Y tế. Dự kiến năm 2010 với mức đóng bảo hiểm y tế tăng và quyền lợi mở hơn, Quỹ Bảo hiểm Y tế sẽ kết dư khoảng 4.000 tỷ đồng.