Anh Vinh gọt cây sâm tre ăn tráng miệng. Sâm tre là loại thức ăn ưa thích của tê giác. |
Luồn rừng
Anh Phạm Hồng Thái - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Phước Sơn vừa chuẩn bị đồ đi rừng vừa nói với tôi: “Anh suy nghĩ lại đi vì đã có lần 3 anh em kiểm lâm chúng tôi đưa khách đi tham quan mà sống dở chết dở, phải thay nhau khênh vị khách 80kg từ rừng ra. Lúc mới đi anh ta cũng hăng hái lắm nhưng mới chui rừng được nửa ngày đã chịu thua và bảo có máy bay cẩu ra khỏi rừng thì bao nhiêu tiền cũng chấp nhận!”.
Nghe lời cảnh báo của anh Thái nhưng tôi vẫn hăm hở đút tăng, võng, mền và cả bọc gạo vào ba lô để chuẩn bị lên đường. Biết không cản được sự hăng máu của tôi, anh Thái đành phổ biến lịch trình: “Hôm nay chúng ta sẽ đi tuần trong tiểu khu 130 và 131. Đây là 4.500ha rừng do trạm chúng tôi quản lý. Cụ thể là sẽ đến kiểm tra 2 khu vực bầu Đất Lớn và bầu Trâu, quãng đường cả đi lẫn về chỉ khoảng 50km nhưng là đường rừng nên đi lại rất khó khăn. Nếu may mắn chúng ta có thể gặp cả thú và những… kẻ săn trộm!”.
7 giờ sáng, anh Phạm Quốc Vinh khoác chiếc xà gạc (dụng cụ đi rừng của người Xtiêng, giống như dao quắm của đồng bào miền núi phía Bắc) dẫn đầu đoàn lên đường. Sau ít phút vượt qua những ruộng lúa của đồng bào, chúng tôi đụng phải thử thách đầu tiên. Đó là con dốc thẳng đứng như một đường chỉ.
Vừa leo anh Vinh vừa nói: “Hồi mới vào nhận địa bàn này, mình phải mất 3 lần nghỉ mới giật được hết con dốc này. Anh em mình chỉ vất vả nhất cái dốc này thôi, vì đang trèo lên đỉnh núi mà, từ đây ra chỗ hạ trại ở bầu Đất lớn khoảng 12km, nếu đi đúng tốc độ của kiểm lâm thì khoảng 3 giờ chiều chúng ta sẽ tới nơi”.
Bám theo những bước thoăn thoắt của anh Vinh, cả tôi và anh Thái mồ hôi vã ra như tắm. Lũ ruồi muỗi thì cứ bâu kín lấy 2 người. Dưới chân, từng đùm vắt đang đánh đu ngoe nguẩy, như những vòi bạch tuộc khát máu. Sau con dốc dài như muốn đứt hơi, chúng tôi chui vào giữa rừng cấm Cát Tiên, với vô vàn những cây lồ ô rặng cây mây đan khin khít vào nhau như thành như lũy. Anh Vinh khoẻ nhất và cũng là người làm nhiệm vụ dẫn đường, liên tục phải dùng xà gạc phạt những dây leo để mở lối. Anh Thái bảo, ở đây, thú đi như thế nào mình phải đi như vậy. Có thế mới mong gặp được chúng.
Cái cảnh nhàm chán chui rồi lại trèo qua những bụi tre, bụi mây cứ diễn ra hết đoạn này đến đoạn khác kéo dài đến 2 giờ chiều. Khi ấy, chúng tôi tụt được xuống một hình thái rừng khác, với những cây to mọc trên sình lầy. “Bầu Đất Lớn đây rồi, tìm chỗ nào nước tốt rồi hạ trại thôi. Đóng quân ở đây mai đi kiểm tra dấu thú và cả bọn làm bẫy trộm nữa!” - anh Thái hồ hởi.
Bữa ăn của… tê giác
Đã quá quen với công việc đi rừng, anh Vinh dùng dao phát quang một khoảng cây bụi thấp để căng tăng và mắc 3 chiếc võng cho chúng tôi, xong anh lại xuống suối bê lên 3 viên đá để làm bếp. Còn anh Thái thì vần đá để chặn suối lại tạo thành một vũng nước dùng để nấu ăn và tắm giặt. Anh giải thích, có nước mới có sự sống chứ, thú cũng vậy, mùa khô chúng phải tập trung vào khu vực có nước, tới mùa mưa mới toả đi kiếm ăn nên bọn trộm thú cũng thường xuyên giăng bẫy ở các khu vực có nguồn nước. Nơi đây là nơi nguy hiểm đấy!”.
Chỉ vài động tác anh Vinh đã khiến những thanh lồ ô cháy bùng bùng. Đặt xoong cơm lên chỉ một loáng đã sôi. Như một thợ rừng chuyên nghiệp, anh Vinh nói: “Hôm nay sẽ đãi nhà báo một bữa ăn như tê giác luôn”. Lúc này anh mới móc từ trong túi quần ra mớ lá nhíp bỏ vào chiếc mũ. Lá này anh hái lúc đi trên đường.
Anh Vinh bảo, đây là rau sạch 100% nấu không cần rửa, không cần bỏ bột ngọt mà vẫn ngọt lừ. “Không chỉ có rau đâu, mà còn cả đọt mây nữa. Rừng ngoài Bắc không có đâu, ở trong này đọt mây là một đặc sản, cỗ của đồng bào mà không có món đọt mây nướng thì có nhiều thịt đến mấy cũng không gọi là cỗ to”. Thực đơn bữa cơm giữa rừng của chúng tôi hôm đó là canh rau nhíp, đọt mây xào thịt và tráng miệng bằng củ sâm tre. Theo anh Vinh, sở dĩ tê giác khoẻ như vậy vì chủ yếu ăn 3 món này.
Dọn mâm ra đã 4 giờ chiều. Rừng đã bắt đầu phủ bóng tối, tiếng côn trùng, muỗi vo ve. Bữa ăn của 3 người thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi vừa ăn vừa đạp muỗi và gỡ vắt. Xong bữa là cả 3 leo lên võng chùm mền lại để tránh muỗi. Đêm rừng buông mau...
----------------
Bài 3: Đụng kẻ săn trộm
Gia Tưởng