Việc trọng tài Jorge Larrionda không công nhận bàn thắng hợp lệ của Frank Lampard đã phá hỏng cuộc thư hùng giữa Đức và Anh. Ông nghĩ sao?
- Đó là tình huống diễn ra rất nhanh, trọng tài lại đứng ở góc nhìn thẳng về khung thành ở khoảng 25-30m, nên rất khó quan sát. Thực tế, chỉ có góc quay chậm của truyền hình mới có thể thấy rõ bàn thắng đó là hợp lệ.
Còn ở vị trí của trọng tài, đứng trước sức ép rất lớn trên sân cùng với các pha bóng qua lại với tốc độ chóng mặt, thì chuyện nhận định sai không phải điều gì đó khủng khiếp. 44 năm trước, trong trận chung kết World Cup 1966, Geoff Hurst đã ghi bàn thắng gây tranh cãi trong hiệp phụ giúp Anh vượt lên dẫn Đức 3-2, trước khi giành chiến thắng 4-2 chung cuộc để đăng quang. Có lẽ giờ là lúc Anh nên nhớ lại quá khứ để quên đi những gì đã diễn ra ở World Cup 2010.
Ông có cho là FIFA sẽ kỷ luật trọng tài Larrionda như đã "ra tay" với trọng tài Koman Coulibaly (Mali) - người từng từ chối bàn thắng hợp lệ của đội Mỹ?
- Không. Bởi tình huống dẫn tới sai lầm trong nhận định về bàn thắng của Lampard có lỗi lớn của trọng tài biên với góc nhìn ngang.
Nghĩa là trình độ trọng tài ở World Cup 2010 có vấn đề…
- Tôi không nghĩ như thế. Nhưng ở 1 đấu trường lớn như World Cup, các cầu thủ có đẳng cấp thường dùng nhiều tiểu xảo đánh lừa, nên rất khó để trọng tài đưa ra quyết định chính xác. Vấn đề là FIFA cũng như các đội bóng lớn thường biết cách thông cảm với "ông vua" sân cỏ, và có cái nhìn toàn diện về trọng tài.
Theo ông, có nên đưa công nghệ truyền hình vào hỗ trợ cho các trọng tài?
- Không. Như vậy sẽ có nhiều rắc rối kèm theo. Thứ nhất, các trọng tài sẽ cảm thấy họ không còn được coi trọng. Thứ hai, nếu các đội cứ thi nhau khiếu nại các tình huống trên sân, và mỗi lần như thế, trận đấu phải dừng lại, vỡ vụn thì liệu bóng đá còn còn sức hút?
Lê Đức (thực hiện)