Bóng đá như cuộc đời, câu nói này ngỡ nhàm, nhưng có xem tình huống gây tranh cãi trong trận đấu giữa 2 đội Anh – Đức tối 27-6 càng thấy đúng. Ngay khi trọng tài không cho tuyển Anh được nhận bàn thắng từ cú đá của Lampard, nhiều người xem đã thốt lên: Lịch sử lặp lại, đội Anh đã phải chịu luật nhân quả!
Năm 1966, trận chung kết World Cup tổ chức trên đất Anh, giữa đội chủ nhà và tuyển Tây Đức. Hai hiệp chính tỷ số là 2-2. Phút 101 của hiệp phụ, tiền đạo Anh Geoff Hurst sút bóng dội xà ngang rơi đập đất (không qua vạch vôi cầu môn), trọng tài người Thụy Sĩ Gottfried Dienst cho đội Anh được hưởng bàn thắng. Được lợi thế từ trọng tài, đội Anh đã ghi thêm một bàn thắng nữa để kết thúc trận chung kết với tỷ số 4-2, lần đầu tiên vô địch thế giới.
Năm 2010, tại World Cup 19 ở Nam Phi, số phận lại khiến tuyển Anh và tuyển Đức gặp nhau. Tỷ số ở phút 37 là 2-1 nghiêng về Đức. Trong một pha hãm thành ngay sau đó, tiền vệ của tuyển Anh là Frank Lampard tung cú sút, bóng nảy vào vạch vôi cầu môn đối phương, nhưng bàn thắng không được công nhận.
Phương Tây nhắc tới câu châm ngôn: Cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar. Phương Đông ngẫm triết lý nhân quả, vay trả trả vay. Nhưng trước khi trách người, tuyển Anh phải tự trách mình trước.
Một đội tuyển có nhiều danh thủ, được kỳ vọng giành ngôi vàng lần hai, với một HLV được coi là “chiến lược gia” tầm cỡ, bước vào giải đấu ở một bảng không gai góc lắm nếu không nói là khá dễ dàng. Vậy mà tuyển Anh đã thi đấu nhạt nhòa, thiếu bản sắc, thiếu bùng nổ. Tuyển Anh đã phải lết qua vòng bảng một cách khó nhọc thì việc họ phải dừng bước ở ngay vòng hai, mà lại bị đội kỳ phùng địch thủ hạ đo ván đến 4 bàn, cũng chẳng có gì bất ngờ, khó hiểu.
Có khó hiểu, bất ngờ chăng là sự bảo thủ. Mà các “ông lớn” đã phải từ giã sân chơi World Cup sớm tựu trung đều do bảo thủ trong đầu óc và tinh thần.
Đổi mới hay là thua, bóng đá lại thêm một minh chứng cho cuộc sống. Luật nhân quả cũng chỉ là một biểu hiện của sự không thắng vượt mình thôi.
Phạm Xuân Nguyên