Đặc điểm ngành chăn nuôi nước ta Ngành Chăn nuôi hiện chiếm 27% trong đóng góp của Ngành Nông nghiệp vào tổng thu nhập quốc nội (Cục Chăn nuôi 2011). Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng thu nhập ở các vùng nông thôn Việt Nam, chủ yếu là nguồn thu từ chăn nuôi lợn và gia cầm theo quy mô hộ gia đình. Sản phẩm của các hộ chăn nuôi chiếm tới 70% sản lượng thực phẩm ngành chăn nuôi cung cấp cho 84 triệu người dân Việt Nam.
Với đặc điểm phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chứa nhiều rủi ro và thách thức như: thiếu kiến thức về các phương thức chăn nuôi tiên tiến, nguy cơ dịch bệnh, dịch vụ thú y và khuyến nông còn yếu, giá thức ăn cao, thiếu các tổ chức hoạt động nông dân, nguồn lực tài chính hạn hẹp, cộng thêm sự biến động của giá cả đầu ra đã khiến cho hộ chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn.
Yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm là phải nâng cao được năng suất, chất lượng, vệ sinh thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi trong tương quan giá cả cùng loại với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cơ hội “chuyển mình” cho ngành chăn nuôi Việt NamXuất phát từ thực trạng của ngành và nhu cầu ngày càng gia tăng của toàn xã hội về tạo nguồn thực phẩm thịt an toàn, Chính phủ Việt Nam cùng với sự giúp đỡ của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế Giới (WB) đã tài trợ cho ngành chăn nuôi Dự án cạnh tranh ngành Chăn nuôi và An toàn thực phẩm gọi tắt là (LIFSAP).
Dự án do Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện với mục tiêu là nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua nâng cao năng xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn ở các tỉnh dự án
Mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án được triển khai trên địa bàn 12 tỉnh/thành phố gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh, Long An và Lâm Đồng trong thời gian dự kiến là 6 năm, bắt đầu từ năm 2010 đến năm 2015 với tổng vốn 79 triệu USD.
Những kết quả ban đầu của Dự án Sauhơn 3 năm triển khai thực hiện, đã có gần 8.000 mô hình hộ chăn nuôi tự nguyện tham gia áp dụng Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) và 30.000 hộ đang được phát triển nhân rộng, thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật mới tổng thể để đảm bảo sản phẩm thịt “hơi” thật sự an toàn trước khi xuất bán. Theo kết quả tính toán ban đầu của dự án cho thấy: nếu tính bình quân hàng năm 1 hộ chăn nuôi theo quy trình GAHP bán ra thị trường khoảng 160 con lợn thịt tương đương với 16.000 kg lợn hơi, như vậy số lượng sản phẩm thịt sạch của 12 tỉnh dự án cung cấp cho thị trường đã đạt tới 128.000 tấn/năm.
Căn cứ theo số lượng thịt tiêu thụ bình quân trên đầu người năm 2012 ở nước ta là 48,3kg/năm thì dự án đã cung cấp được cho khoảng 15.000 người có được nguồn thịt đảm bảo chất lượng, không có tồn dư chất kháng sinh, không sử dụng hóc môn tăng trưởng và đặc biệt là không có chứa các mầm bệnh lan truyền từ động vật sang người. Cùng với nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chăn nuôi, kết quả về cơ chế hoạt động của các nhóm hộ chăn nuôi áp dụng quy trình GAHP của dự án đã góp phần mang đến sự phát triển cho các hoạt động thương mại như: các hộ chăn nuôi nhỏ liên kết với nhau thành các Nhóm, Tổ hợp tác, liên kết trực tiếp với các cơ sở sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, xây dựng thương hiệu sản phẩm, liên kết tín dụng…
Người dân trong vùng GAHP của 12 tỉnh trong dự án đã có cơ hội tốt hơn để cải thiện điều kiện sống, nâng cao thu nhập của chính họ từ các hoạt động chăn nuôi. Bên cạnh đó, với việc áp dụng quy trình xử lý chất thải phù hợp như xây dựng hầm biogas, hầm ủ phân hữu cơ, 8.000 hộ chăn nuôi đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho cộng đồng từ các hoạt động chăn nuôi, tiết kiệm năng lượng.
Đối với hoạt động giết mổ và kinh doanh, dự án đã hỗ trợ nâng cấp được 15cơ sở giết mổ lợn quy mô từ 30 con đến 100 con/ ngày và một cơ sở giết mổ gia cầm quy mô 1.000 con/ ngày đảm bảo điều kiện vệ sinh theo quy định. Dự án đã nâng cấp và đưa vào vận hành 169 khu chợ bán thịt tươi sống đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh của dự án,hàng ngày cung cấp hơn 200 tấn thịt “sạch” cho khoảng gần 3 triệu người dân, góp phần thực hiện một trong 19 tiêu chí đánh giá nông thôn mới. Các chợ thực phẩm này sẽ là đầu ra của các hộ chăn nuôi GAHP, của các cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh.
Với quy trình thực hiện theo chuỗi và khép kín, Dự án LIFSAP sẽ góp phần giúpcác tỉnh Dự án nói riêng và Ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung đạt được những mục tiêu đề ra. Người chăn nuôi Việt Nam có thể yên tâm về mức độ ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế, các sản phẩm chăn nuôi nội địa tăng sức cạnh tranh, người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng nguồn thịt sạch, sức khỏe cộng đồng được nâng cao.